Quan hệ Trung - Mỹ: Biển Đông vẫn gây sóng gió

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ diễn ra tại Bắc Kinh trong 2 ngày (6 - 7/6) là cơ hội để 2 cường quốc gỡ nút thắt mâu thuẫn trong một loạt các vấn đề an ninh, kinh tế.

Tuy nhiên, Biển Đông vẫn đang là chủ đề làm lu mờ nỗ lực phá thế đối đầu, tăng hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington.

Nút thắt Biển Đông

Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ tập trung bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố và hợp tác kinh tế, nhưng Biển Đông vẫn là nội dung trọng tâm. Diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất khu vực là Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc, cuộc gặp của giới chức cấp cao hai nước lại bị bao trùm bởi những tranh cãi không dứt về vấn đề Biển Đông.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh trước khi bắt đầu phiên Đối thoại.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh trước khi bắt đầu phiên Đối thoại.
Hôm 6/6, tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, Trung Quốc và Mỹ cần tin tưởng lẫn nhau hơn nữa khi cả 2 bên đều đang nỗ lực giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông. Mặc dù vậy, người đứng đầu nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn giữ lập trường cứng rắn tại Biển Đông. “Một số tranh chấp có thể không được giải quyết trong thời gian này” - ông Tập Cận Bình nói.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, Washington muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào giải quyết tranh chấp thông qua các hành động đơn phương, ám chỉ đến việc mở rộng căn cứ quân sự trên biển trái phép ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết tuyến đường biển quan trọng và cấp tập xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực. Đáp lại hành động của Bắc Kinh, Washington đã điều tàu chiến tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp, khiến giới chức nước này “nổi xung”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cảnh báo, Trung Quốc đang  xây “Vạn lý trường thành” để tự cô lập mình.

Hai vấn đề kinh tế mấu chốt

Ngoài Biển Đông, cuộc đối thoại cũng tập trung bàn thảo về các vấn đề kinh tế, nhất là trong bối cảnh cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới đang giảm tốc và gây ra một số hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu. Mối quan hệ kinh tế giữa 2 cường quốc chưa bao giờ dễ dàng. Trong các vấn đề kinh tế chủ chốt mà Bắc Kinh và Washington vẫn đang vướng mắc, là vấn đề dư thừa của nền công nghiệp và chính sách điều hành tiền tệ của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo, Trung Quốc cần giảm sản lượng công nghiệp dư thừa, trong đó có ngành thép và nhôm, mà theo ông đang “bóp méo và gây ra tác hại trên thị trường toàn cầu”. Trung Quốc đang sản xuất một nửa sản lượng thép thế giới và bị cáo buộc bán phá giá thép trên các thị trường khác, khiến các đối thủ phải đóng cửa các nhà máy và cắt giảm hàng nghìn công việc.

Bên cạnh đó, chính sách điều hành tiền tệ của Trung Quốc cũng là một vấn đề khi biên độ giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) đã ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Trước đó, việc đồng NDT mất giá mạnh hồi tháng 8 năm ngoái đã gây ra sự hỗn loạn tại thị trường toàn cầu. Các quốc gia cáo buộc Bắc Kinh thao túng thị trường tiền tệ để hỗ trợ ngành xuất khẩu khổng lồ của nước này. Mặc dù giới chức Trung Quốc đã tuyên bố sẽ để tỷ giá NDT điều chỉnh tự do hơn, nhưng vẫn bị nghi ngờ về việc thực hiện cam kết. Vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước có chính sách ngoại hối cần được theo dõi chặt chẽ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần