Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý an toàn thực phẩm thủy sản: Vẫn nhiều lỗ hổng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc buông lỏng quản lý sản phẩm thủy sản từ khâu nuôi trồng tới khi tiêu thụ đã tạo ra nhiều lỗ hổng để cho các sản phẩm kém chất lượng thâm nhập vào thị trường, gây mất ATTP.

Vài năm gần đây, nhờ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP phát triển mạnh, tăng cả quy mô sản xuất lẫn sản lượng. Tuy nhiên, việc quản lý ATTP thủy sản vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, hoạt động sản xuất nuôi trồng của người dân vẫn đang bị thả nổi.

Ông Nguyễn Tiến Thuật, một hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa cho biết, quy trình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn đòi hỏi rất nghiêm ngặt, chi phí cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn nhập nhèm giữa các sản phẩm an toàn và không an toàn. Do vậy, đa phần các hộ dân lựa chọn phương pháp nuôi truyền thống để đảm bảo lợi ích kinh tế.

Bên cạnh đó, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do các loại nước thải, thuốc hóa chất dùng trong nông nghiệp gây nên. Đáng báo động là thói quen sử dụng thuốc phòng bệnh cho thủy sản tùy tiện của người dân dẫn tới tình trạng tồn dư nhiều thuốc kháng sinh trong sản phẩm. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên trách về thủy sản mỏng, chính quyền địa phương chưa sát sao việc nuôi trồng của bà con, vì vậy hoạt động chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản ở các địa phương gần như được thả nổi.

Nguy cơ mất ATTP thủy sản còn tiềm ẩn từ các sản phẩm nhập khẩu. Hiện, mỗi năm Hà Nội tiêu thụ khoảng 25.000 tấn thủy sản, tuy nhiên sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 40%, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Trong khi khâu quản lý, kiểm soát sản phẩm thủy sản vẫn còn rất lỏng lẻo. Toàn TP mới chỉ có duy nhất chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm tra, kiểm soát hàng ngày. Mỗi ngày có hàng chục tấn thủy sản đổ về chợ nhưng thực tế kiểm tra chỉ được khoảng 10% và phương pháp kiểm tra thủy sản chỉ được thực hiện bằng phương pháp cảm quan nên khó có thể đánh giá chính xác được chất lượng có bảo đảm hay không. Còn đối với các chợ không có chốt kiểm dịch, thì việc kiểm soát vệ sinh ATTP hầu như bị bỏ ngỏ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm dịch sản phẩm thủy sản, Nhà nước và TP cần có chính sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng an toàn. Các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật cho người dân, từ đó kiểm soát tốt sản phẩm đầu vào. Song song với đó, các cấp quản lý cần tăng cường kiểm soát các sản phẩm thủy sản nhập khẩu và người tiêu dùng cần thay đổi thói quen lựa chọn những sản phẩm an toàn cho bữa ăn của gia đình.