Quản lý chặt đấu giá bất động sản

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4, PV Hiếu Công (Zingnews) đặt câu hỏi: Hiện tại giá đất ở nhiều nơi trên cả nước tăng rất nhanh, liệu có hiện tượng sốt đất và tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra hay không?

Chính phủ có giải pháp như nào để giải quyết tình trạng này? Chính phủ có xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bất động sản như là xử lý trong lĩnh vực chứng khoán hay không?

Tình hình thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đến nay đã giải ngân bao nhiêu tiền, hoặc thực hiện được bao nhiêu %, tiến độ giải ngân có đúng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp hay không?

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời:

Trong 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.

Cũng một lý do nữa là năm 2020 và 2021 là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch. Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương có thể nói là làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những lý do khách quan đó, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá.

Vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành. Trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT được Chính phủ giao, Bộ đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương, trong đó Bộ đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Điểm thứ hai rất quan trọng, đó là thông tin. Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất. Và đặc biệt là cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Chúng ta phải quản lý để làm sao cho quy hoạch này thực hiện nghiêm túc nhất.

Điểm tiếp theo mà Bộ khuyến cáo là: Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một giải pháp mà Bộ cũng chỉ ra là các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chúng tôi cũng chỉ ra là cần phải tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất, để làm sao các quy định về đấu giá chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất.

Bộ TN&MT đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra cụ thể các địa phương, phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố để quản lý tốt hơn các hoạt động đấu giá và sự biến động bất thường, cục bộ của giá đất trong thời gian vừa qua.

Chương trình phục hồi đang được thực hiện rất tích cực

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời:

Từ khi ban hành Nghị quyết 11 đến nay (từ 30/1/2022), Bộ KH&ĐT thường xuyên cập nhật tình hình tiến độ qua các kỳ họp báo thường kỳ tháng 2, 3 cũng như các báo cáo.

Theo đánh giá chung của Bộ KH&ĐT, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11 cơ bản bám sát các mục tiêu về thời gian mà Nghị quyết đã đề ra đối với các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Về cập nhật tình hình tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, đến nay, có một số nhóm vấn đề.

Một là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Có những chính sách thậm chí có thể thực hiện ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 11. Đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế và có lẽ mới có chính sách này được thực hiện và giải ngân được. Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành trong tuần trước như: Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là chính sách mới được ban hành và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Thứ hai là hướng dẫn Bộ TN&MT liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.

Nhóm thứ hai là nhóm mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình các văn bản, dự thảo các quy định pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định, cụ thể như: Dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại (đã được trình), dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu (đã được trình), dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành chính sách xã hội (đã được trình).

Nhóm ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền thì cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, như là sửa đổi Thông tư số 12 năm 20216 về sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp hay dự thảo Thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em", dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Đánh giá chung là các nhiệm vụ này đều được các bộ ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 11.

Riêng về đầu tư công, đây là vấn đề sử dụng nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước. Liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, các danh mục này cơ bản là danh mục mới, chưa có thủ tục. 

Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. 

Hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ GTVT, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, Nghị quyết 43 cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình UBTVQH theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân cho các dự án.

Chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm 2 yếu tố quan trọng là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và thứ hai là phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu. Do vậy, công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.