Quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng là xây dựng và quản lý theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Ảnh: Hải Linh |
Phát triển không gian ngầm
Các ý kiến khi góp ý cho Dự thảo Văn kiện đều đánh giá, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã thay đổi mạnh về diện mạo đô thị. Không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn. Diện mạo đô thị Hà Nội ngày càng bề thế, khang trang, hiện đại hơn. Sự “thay da, đổi thịt” của TP đến từ công tác xây dựng, phát triển không gian đô thị đã có những thành công bước đầu.
Hà Nội cần phát triển không gian ngầm trong tiến trình phát triển đô thị thông minh. Trong nội thành, trên mặt đất không còn diện tích nữa rồi nên bắt buộc chúng ta phải tính đến công trình ngầm. Nên sớm hoàn thành quy hoạch, sau đó kêu gọi xã hội hóa để làm từng khu vực một. Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Trần Danh Lợi |
Đồng thời, các ý kiến cũng đồng tình với những mục tiêu Đảng bộ Hà Nội xác định cho nhiệm kỳ tới là tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Theo đó, trong giai đoạn tới, hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch… Cùng với đó, những mục tiêu về đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cũng nhận được sự đồng tình.
Đề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch một cách kế hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong đánh giá của Dự thảo Văn kiện đã nói rất kỹ là có bao nhiêu quy hoạch phân khu, bao nhiêu quy hoạch chi tiết nhưng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá đã có kế hoạch hay chưa thì chưa được đầy đủ. Dẫn chứng một số hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn Thủ đô thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, nhiệm kỳ tới TP cần làm tốt hơn công tác này, hạn chế thấp nhất tình trạng phá vỡ quy hoạch.
Tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tới
Để nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, khi đề cập đến lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. TP cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài Vành đai 3, Vành đai 4... Cùng với đó, Hà Nội nên khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.
Các ý kiến cho rằng, Dự thảo Văn kiện đã đánh giá toàn diện, sâu sắc các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn sắp tới. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, cùng với thành tựu, Dự thảo cũng cũng nên đánh giá sâu hơn những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, hạ tầng giao thông kết nối vùng, nhất là vùng ven, ngoại thành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó cần xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới là phải xây dựng, hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống giao thông, nhất là các trục hướng tâm, đường vành đai, đường ngang kết nối các trục hướng tâm để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đó là những trục đường như: Phía Nam đi Ứng Hòa, đường Đỗ Xá - Quan Sơn, đường Miếu Môn (huyện Mỹ Đức), đường Tây Thăng Long đi thị xã Sơn Tây...
Theo các ý kiến góp ý, việc đưa ra các giải pháp để quản lý đô thị tốt là yếu tố quan trọng, yêu cầu cấp bách, một đột phá với Hà Nội để bảo đảm phát triển bền vững.