Chỉ cần đến “Một cửa” Tại cả 10 phường, 7 TTHC lĩnh vực tư pháp từ ngày 15/1/2016 và 4 TTHC liên thông lĩnh vực tư pháp - công an - bảo hiểm theo Thông tư liên tịch 05 của liên Bộ Tư pháp - LĐTB&XH - Công an từ ngày 15/3/2016 đã được cung cấp DVCTT mức độ 3. Như với 7 TTHC về tư pháp, trước đây, công dân phải đi 2 lần và mất cả ngày chờ kết quả thì nay chỉ cần đến "Một cửa" nộp hồ sơ và nhận kết quả trong vòng 2 giờ. TTHC liên thông “3 trong 1” đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cũng giảm thời gian giải quyết từ 7 ngày còn 3 ngày. Về TTHC liên thông “2 trong 1” đăng ký khai sinh - đăng ký HKTT giảm từ 11 ngày còn 2 ngày...
Cùng với thí điểm các TTHC liên thông theo chỉ đạo của TP, quận còn chủ động triển khai liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký HKTT thực hiện DVCTT mức độ 3, giảm thời gian từ 6 ngày còn 2 ngày; liên thông cấp đăng ký kinh doanh (ĐKKD) - mã số thuế. Cũng do nộp hồ sơ trực tuyến nên thay vì 4 lần tới 2 cơ quan, nay chỉ cần một lần đến "Một cửa" ký hồ sơ và nhận kết quả. Nhờ liên thông cấp sổ đỏ lần đầu - thông báo nộp thuế - nộp lệ phí”, công dân từ chỗ phải tới 3 cơ quan, 6 lần làm TTHC thì nay chỉ cần 2 lần đến nộp và nhận kết quả tại "Một cửa", giảm từ 55 ngày còn 45 ngày. Nhờ quyết liệt thực hiện DVCTT mức độ 3 với nhiều TTHC nên những tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên toàn quận đạt tới 99,96%. Gỡ vướng để nhân rộng Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trọng Lượng, từ kết quả thí điểm khả quan, từ nay đến cuối năm, quận sẽ quyết liệt triển khai DVCTT đối với các quy trình thủ tục theo Thông tư 05. Trong đó, giao Công an khu vực trả kết quả đăng ký HKTT tại nhà cho công dân. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất TP cho mở rộng DVCTT mức độ 3 ra các TTHC: Xác nhận thang, bảng lương của DN; cấp lại thẻ BHYT cho người có công với cách mạng; cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng giao dịch đã chứng thực; cấp bản sao trích lục cho công dân... Tuy nhiên, để nhân rộng việc cung cấp DVCTT, ông Nguyễn Sỹ Thắng - Phó Chánh Văn phòng phụ trách “Một cửa” UBND quận cho rằng, khó khăn lớn nhất là đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng liên quan đến con người, cách thức thực hiện: Cán bộ mang kết quả đến nhà cho dân, nhưng không phải lúc nào họ cũng ở nhà; chi phí cho giao nhận thế nào; muốn nhận giấy khai sinh thì người dân phải ký vào sổ hộ tịch nhưng lại không có ở nhà, cán bộ mang sổ dọc đường có thể làm mất… Việc luân chuyển hồ sơ giữa UBND phường với Công an hay BHXH cũng chưa quy định rõ. “Dù công nghệ thông tin có thể hỗ trợ, nhưng theo quy định, vẫn phải có những việc thủ công (cán bộ phường mang hồ sơ giấy sang Công an, BHXH…). Muốn liên thông một TTHC thì liên quan nhiều cơ quan, nên rõ ràng cán bộ phải làm thay người dân. Với một số sổ sách, chúng tôi vẫn phải in ra, gần như chưa bớt được gì, thực chất chỉ là người dân không còn phải làm nhiều việc mà cán bộ sẽ làm thay. Vì định biên cán bộ tại phường đã rõ ràng, nên muốn bố trí họ sang các cơ quan khác giải quyết TTHC cho người dân trong khi chưa thể bổ sung người thì rất cần cơ chế bồi dưỡng cho họ” - ông Thắng chia sẻ.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Nam Từ Liêm. Ảnh: Thùy Linh |