Quận Nam Từ Liêm tăng hiệu quả cải cách hành chính bằng mô hình sáng tạo

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-10 năm thành lập, phát triển (4/2014-4/2024) là từng ấy năm, quận Nam Từ Liêm liên tục trong top đầu của Hà Nội về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), cũng nhờ luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, không ngừng đưa ra những mô hình sáng tạo để nâng cao sự hài lòng của người dân.

Không ngừng nỗ lực vì sự hài lòng của người dân

Theo Trưởng phòng Nội vụ UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hoài Thu, những năm qua, quận đã triển khai đồng bộ 6 nội dung công tác CCHC, trong đó là địa phương đầu tiên của Hà Nội xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” tại quận và 10 phường, đã nhận được sự ủng hộ đánh giá cao của người dân.

Đáng chú ý, UBND quận đã xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề CCHC với những giải pháp nổi bật nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC trên địa bàn, như: mô hình “Một cửa đô thị hiện đại” thí điểm tại UBND 2 phường Trung Văn, Mỹ Đình 1 và nhân rộng ra nhiều phường; giải pháp “Ngày không viết”, “Ngày không đợi” tại các bộ phận “một cửa”...

Cùng đó là các mô hình: “Thi đua thực hiện tinh gọn về tổ chức; tự chủ về bộ máy; hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của Ban QLDA đầu tư xây dựng quận giai đoạn 2022-2025”, “Một cửa đô thị hiện đại” và đẩy mạnh “Chuyển đổi số trong công tác quản lý hồ sơ” trên địa bàn quận; thí điểm “Tổ chức đối thoại trực tiếp, trực tuyến một phần tại tổ dân phố giữa công dân và Chủ tịch UBND phường” tại phường Trung Văn; bộ phận “một cửa” hiện đại “Tiếp nhận phản ánh của người dân qua máy kios bằng việc quẹt mã QR Code”…

Đáng chú ý, quận đã tổ chức thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp quản lý nhà nước và ủy quyền. Việc tập trung triển khai hiệu quả các thủ tục hành chính (TTHC) theo phương án ủy quyền của TP đã bảo đảm cơ sở pháp lý và đầy đủ quy trình nội bộ giải quyết TTHC, quy trình điện tử ứng dụng CNTT. Đồng thời, phối hợp các sở chuyên ngành để tháo gỡ khó khăn với những TTHC còn vướng mắc và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật. Quận luôn duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ TTHC được trả kết quả đúng hoặc trước hạn; 100% hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Quận Nam Từ Liêm vừa tổ chức ra mắt mô hình chuyển đổi số trong cải cách hành chính tại phường Phương Canh
Quận Nam Từ Liêm vừa tổ chức ra mắt mô hình chuyển đổi số trong cải cách hành chính tại phường Phương Canh

Đặc biệt, quận chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên địa bàn; tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030...

“Nam Từ Liêm là một trong những quận, huyện đầu tiên của Hà Nội thành lập 10 tổ công nghệ số cộng đồng tại 10/10 phường và thành lập 139/139 tổ công nghệ số trên địa bàn dân cư. Cả 10 phường đều duy trì hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng cấp phường và ở tổ dân phố. Quận đã cung cấp chữ ký số miễn phí cho công dân tại bộ phận “một cửa” từ quận đến 10/10 phường với số lượng trên 300 chữ ký số cho người dân. UBND các phường cũng đã triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua thiết bị CNTT và đang tiếp tục triển khai thực hiện tích hợp camera đánh giá thông qua công nghệ AI tự động…”- bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.

Với những nỗ lực đó, Nam Từ Liêm liên tục thuộc nhóm quận, huyện có chỉ số CCHC dẫn đầu TP, năm 2016, đứng thứ 3/30, liên tục hai năm 2017-2018 đứng thứ 1/30, hai năm 2022-2023 đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã…

Công chức UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) hướng dẫn người dân dùng căn cước công dân để quét mã, đăng ký giải quyết thủ tục hành chính  
Công chức UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) hướng dẫn người dân dùng căn cước công dân để quét mã, đăng ký giải quyết thủ tục hành chính  

Chuyển đổi số để xây dựng những “phường thông minh”

Nhằm xây dựng những “phường thông minh” thông qua thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong chính quyền phường để tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, hỗ trợ người dân được tiếp cận các dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất, quận Nam Từ Liêm vừa cho ra mắt mô hình chuyển đổi số trong CCHC tại phường Phương Canh, trong đó đã xây dựng “Cổng thông tin điện tử phường” trên nền tảng Zalo OA. Tới đây, phường Mỹ Đình 2 sẽ là đơn vị tiếp theo thực hiện mô hình này.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Tổ công tác thuộc Bộ TT&TT, phường Phương Canh đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 lĩnh vực gồm Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, trong đó thực hiện 4 nhiệm vụ: xây dựng kênh Zalo OA chính thức của Đảng ủy-UBND phường; lắp camera giám sát tại các điểm trục chính để bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng mô hình chính quyền điện tử, nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC; thực hiện “Nhà trọ chuyển đổi số phường Phương Canh”. 

“Với mô hình chuyển đổi số trong CCHC tại Phương Canh, chúng tôi hy vọng sẽ tạo lan tỏa trong công tác CCHC, chuyển đổi số tại các phường khác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nói riêng và toàn TP nói chung”- Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái.

Cụ thể, UBND phường đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh tích hợp về phòng điều hành của Ban chỉ huy Công an phường, với 46 điểm camera được lắp đặt, hiện hữu ở nhiều trục đường chính trên địa bàn. Qua đó, đã hỗ trợ truy xét thành công 7 vụ việc liên quan vi phạm pháp luật, 40 vụ việc trật tự đô thị; mỗi tháng giảm 2 vụ phạm pháp hình sự so với trước thời điểm lắp camera, được người dân hưởng ứng cao.

Trong khi, phần mềm quản lý nhà trọ Resident được ứng dụng vào hoạt động quản lý vận hành nhà trọ của các hộ kinh doanh, hướng tới xây dựng thương hiệu “Nhà trọ chuyển đổi số phường Phương Canh”, với 370/370 chủ nhà trọ trên địa bàn được tập huấn, cài đặt phần mềm, dán mã QR.

Bên cạnh đó, UBND phường đã phối hợp Tổ công tác Bộ TT&TT xác định hiện trạng, từ đó tiến hành cải tạo nâng cấp hệ thống “một cửa điện tử”, với việc lắp đặt những máy móc thiết bị mới, đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân.

Đến cuối tháng 2/2024, đã có 7.072 lượt công dân/tổ chức đến thực hiện TTHC quét được mã QR trên thẻ căn cước công dân để được lấy số thứ tự, 6.385 lượt công dân/tổ chức đánh giá chất lượng phục vụ/mức độ hài lòng sau khi thực hiện TTHC (tỷ lệ tham gia đánh giá đạt 90,3%). Kênh Zalo OA của phường cũng đạt gần 13.000 lượt tài khoản quan tâm; gần 500 tin, bài về các hoạt động của Đảng ủy-UBND-MTTQ và các đoàn thể phường được đăng tải, với 91.084 lượt xem; 526 lượt người dân tương tác, trao đổi, nêu kiến nghị, đều được lãnh đạo UBND phường chỉ đạo xử lý kịp thời…

Công dân hài lòng vì được giải quyết TTHC nhanh gọn nhờ ''Một cửa đô thị hiện đại'' tại UBND phường Mỹ Đình 1 và nhiều phường khác thuộc quận Nam Từ Liêm
Công dân hài lòng vì được giải quyết TTHC nhanh gọn nhờ ''Một cửa đô thị hiện đại'' tại UBND phường Mỹ Đình 1 và nhiều phường khác thuộc quận Nam Từ Liêm

Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, để đưa nền hành chính của quận ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập này, bên cạnh ra mắt mô hình chuyển đổi số trong CCHC tại phường Phương Canh, quận cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong công tác CCHC, chuyển đổi số: phát động cuộc thi “Tìm hiểu và tuyên truyền về công tác CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06/CP”; phát động phong trào thi đua thực hiện mô hình, giải pháp “Tối ưu hóa quy trình và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân”; giới thiệu mô hình “Một cửa số” tại phường Mỹ Đình 2...

Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện “Một cửa đô thị hiện đại” gắn với “chuyển đổi số trong quản trị, điều hành” tại UBND quận và các phường; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công nghệ số trong hoạt động cơ quan nhà nước; tăng cường xử lý công việc trên môi trường số, tổ chức họp trực tuyến, không giấy tờ... Đặc biệt, tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm bảo đảm sát thực tế và nội dung đào tạo bồi dưỡng liên quan quá trình thực thi công vụ.

Những giải pháp đó sẽ góp phần hiện thực hóa một mục tiêu quan trọng của quận là phấn đấu đến năm 2025 đứng trong top 3 về CCHC khối quận, huyện, thị của TP.