Quận Tây Hồ: Chú trọng tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô, những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử... luôn là nhiệm vụ được chính quyền quận ưu tiên thực hiện.

Khai thác kết hợp với bảo tồn

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện nay, trên địa bàn quận có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Trong đó, 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp TP), còn lại 29 di tích chưa được xếp hạng. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc quanh hồ Tây, hướng nhìn ra mặt hồ.

Chùa Trấn Quốc - di tích lịch sử văn hóa quốc gia nằm trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Ảnh: Phạm Hùng
Chùa Trấn Quốc - di tích lịch sử văn hóa quốc gia nằm trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Ảnh: Phạm Hùng

Nhận thức rõ thế mạnh, tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, những năm qua, quận Tây Hồ đã phối hợp với đơn vị có liên quan tập trung khai thác kết hợp với bảo tồn nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Cụ thể, trong năm 2022, quận Tây Hồ đã triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, tăng cường giám sát đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích.

Quận đã thành lập tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, quận Tây Hồ đã tiếp tục dành nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn xã hội hóa để đầu tư, tu bổ di tích.

Hiện trên địa bàn quận Tây Hồ có 2 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó đang thi công dự án tu bổ, tôn tạo chùa Bà Già, phường Phú Thượng; thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Mật Dụng, phường Bưởi. 6 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án tu bổ, tôn tạo đền Cố Lê; dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích cách mạng kháng chiến nhà bà Hai Vẽ và nhà cụ Nguyễn Thị An; dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Tứ Liên; dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Ngọc; dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hoằng Ân; dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật chùa Tảo Sách.

Đặc biệt, căn cứ báo cáo của UBND các phường về nhu cầu đầu tư tu bổ di tích, đơn vị có liên quan, quận Tây Hồ đã tổng hợp danh mục 33 di tích xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo. Hiện tại, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị rà soát nhu cầu, thực trạng, cân đối ngân sách quận để thực hiện 11 dự án tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025.

Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm di tích

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong năm 2022, công tác quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan, phục vụ tốt nhu cầu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Cùng với đó, ý thức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận ngày càng được nâng cao.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, bà Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong năm 2023, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực quản lý văn hóa, di tích, lễ hội. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đối với 11 dự án tu bổ, tôn tạo di tích đã được phê duyệt. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị chức năng quận, UBND các phường tăng cường kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình thực tế tại các di tích, không để xảy ra vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, trong năm 2023, quận sẽ chỉ đạo Phòng VH - TT chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND các phường Quảng An, Xuân La, Nhật Tân, Phú Thượng, Bưởi trong việc tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 của một số di tích như: Chùa Vạn Niên, đình Nhật Tân, nhà bà Hai Vẽ, đình Phú Gia, phủ Tây Hồ, chùa Hoằng Ân, đình Quảng Bá, chùa Kim Liên, đình Nghi Tàm, đình An Thái, đình Vệ Quốc, chùa Mật Dụng, chùa Trấn Quốc và đình Yên Phụ nhằm bảo vệ tốt nhất các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ sẽ tập trung khai thác tốt giá trị vật thể và phi vật thể của các di tích. Duy trì tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của lễ hội theo quy định. Ngoài ra, UBND quận sẽ báo cáo đề xuất UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội đưa Lễ hội 995 năm Hội thề Trung Hiếu của đền Đồng Cổ vào danh mục lễ hội truyền thống tiêu biểu của quận và TP Hà Nội.

 

Trong giai đoạn 2022 – 2025, quận Tây Hồ sẽ thực hiện 11 dự án tu bổ, tôn tạo di tích gồm: Tu bổ, tôn tạo đền Voi Phục; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực 1 chùa Thiên Niên và chùa Khai Nguyên; cải tạo, tu sửa một số hạng mục xuống cấp tại đình Hồ Khẩu; tu bổ, tôn tạo đình Quảng Bá, Nghi Tàm, Kim Liên, Tây Hồ, Yên Phụ, Quán La Xã, Nhật Tân.