Dự án phục vụ người dân
Theo đơn ông Đinh Văn Quán trình bày, gia đình ông cùng các hộ dân sinh sống ở khu tập thể Bộ Công an, liền kề đường Xuân Diệu, phường Quảng An đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất ở từ năm 2011. Bản thân gia đình ông có 9 nhân khẩu của 3 thế hệ đang sinh sống ở tại nhà số 4, đường Xuân Diệu. Cùng với đó, tại khu tập thể còn có nhiều hộ gia đình khác cũng đông nhân khẩu của nhiều thế hệ đang sinh sống tại đây.
Ngày 2/4/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 2366/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, tỷ lệ 1:500, có chiều dài gần 1.100m, rộng từ 17 - 20m, điểm đầu giao với đường Âu Cơ, điểm cuối giao với đường Nghi Tàm, tuyến đường này đi qua phường Quảng An và Tứ Liên. Cùng với đó các sở, ngành và UBND quận Tây Hồ tiến hành triển khai các bước thực hiện dự án theo quy định.
Đến đầu năm 2018, quận Tây Hồ và phường Quảng An bắt đầu triển khai thông báo cụ thể đến từng hộ dân để nắm bắt thêm thông tin về dự án rồi tổ chức họp dân để thống nhất, lập phương án, kế hoạch GPMB thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu. Tại thời điểm này ông Quán cùng một số hộ dân ở khu tập thể Bộ Công an đã kiến nghị hàng loạt nội dung về chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư…
Qua đó, UBND quận giao nhiệm vụ cho Trung tâm phát triển quỹ đất cùng cơ quan chuyên môn và UBND phường Quảng An triển khai kiểm tra, rà soát, xác minh tại thực địa cũng như xem xét kỹ lưỡng hồ sơ quản lý đất đai và các văn bản, quyết định của TP để làm cơ sở giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân và đúng quy định khi tiến hành GPMB thi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu. Mặt khác, UBND quận tổ chức đối thoại để làm rõ những nội dung kiến nghị làm căn cứ giải quyết.
Chiều 6/6/2022, phóng viên đã có buổi khảo sát thực địa hiện trường GPMB thi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu và làm việc với ông Quán. Qua đó, ông Quán đưa ra quan điểm mong muốn UBND quận Tây Hồ nghiên cứu, xem xét trong việc vận dụng các văn bản, quyết định của TP, của quận sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khớp với thời gian bắt đầu triển khai dự án nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, ông Quán đề nghị: Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu, khi GPMB, UBND quận Tây Hồ nên vận dụng theo Quyết định số 01/QĐ-UBND, được UBND TP ban hành ngày 25/1/2021 về việc phê duyệt hệ số điều chỉnh = 1,95 làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tương ứng với quyết định số 30/2019/QĐ-UBND do UBND TP ban hành ngày 31/12/2019 về việc quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024. Không nên áp dụng Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND, quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP áp dụng từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2019.
Qua tìm hiểu, thu thập thông tin và quan sát tại hiện trường khu vực đang thi công dự án nhận thấy, đến nay nhiều vị trí đã hoàn thành công tác GPMB và thi công xong các hạng mục công trình. Hiện chỉ còn một số khu dân cư đang được các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình hoặc nhờ các đơn vị của quận, phường hỗ trợ tháo dỡ công trình, thu dọn tài sản, bàn giao mặt bằng cho UBND quận. Tại khu tập thể Bộ Công an ở đầu đường Xuân Diệu cũng có một số gia đình đã hiểu rõ vấn đề và đang chấp hành tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho UBND quận.
Tiếp tục rà soát hồ sơ
Để làm rõ bản chất sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Mạnh Cường - Giám đốc Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ. Qua đó, ông Cường cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu đã được TP phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2013 theo đúng quy hoạch và từng bước công khai thông tin dự án. Tiếp đó, ngày 27/10/2017, UBND quận ban hành Quyết định số 2350/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu có tổng mức đầu tư hơn 388 tỉ đồng, thời gian thi công từ 2017 - 2022.
Trong quá trình UBND quận Tây Hồ triển khai tổ chức họp dân thời điểm đầu năm 2018 đã có nhiều ý kiến đưa ra đề nghị làm rõ công tác quy hoạch, lập hồ sơ thiết kế, phương án GPMB cũng như nguồn vốn đầu tư xây dựng và thời gian thi công dự án… Qua đó, các đơn vị liên quan và Trung tâm phát triển quỹ đất quận đã giải thích, tuyên truyền, vận động, khẳng định việc thực hiện dự án là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn nhằm phục vụ việc đi lại của người dân để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị và cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện từ đó đến nay, 10 hộ dân ở khu tập thể Bộ Công an có diện tích thu hồi từ 11,8m2 - 24,6m2 và diện tích còn lại từ 18,8m2 - 50m2 nhưng có số nhân hộ khẩu đông hoặc nhiều cặp vợ chồng được UBND phường Quảng An xác nhận đang ăn ở thường xuyên tại địa chỉ thu hồi, trong đó có hộ gia đình ông Quán với 9 nhân khẩu của 3 thế hệ sinh sống ở thửa đất nhà số 4, đường Xuân Diệu. Qua quá trình vận động, đến nay ở khu tập thể Bộ Công an chỉ còn gia đình ông Quán và một số hộ tiếp tục kiến nghị đòi hỏi quyền lợi trong công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo Giám đốc Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ Trần Mạnh Cường, nhận thấy việc đề nghị của người dân là chính đáng, do vậy ngày 21/12/2021, UBND quận có văn bản số 2477/UBND-TTPTQĐ đề nghị UBND TP xem xét việc bán căn hộ tái định cư cho các gia đình tại phường Quảng An khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu. Qua đó, ngày 27/12/2021, UBND TP có văn bản số 14214/VP-GPMB giao cho Sở TNMT cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, xem xét đề nghị của UBND quận Tây Hồ.
Qua kiểm tra, xem xét, ngày 25/4/2022, Sở TNMT có văn bản số 2615/STNMT-QHKHSDĐ gửi UBND quận Tây Hồ với quan điểm: Theo điểm a Khoản 1 Điều 7, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP quy định về hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Do vậy, các hộ gia đình, cá nhân nêu trên không bị thu hồi hết đất ở nên không được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở.
“Tuy nhiên, cũng tại văn bản số 2615/STNMT-QHKHSDĐ, Sở TNMT cũng đề nghị UBND quận Tây Hồ rà soát kỹ các trường hợp khó khăn về nhà ở, không còn nơi ăn ở nào khác trên địa bàn; trường hợp các hộ khó khăn về nhà ở, UBND quận Tây Hồ tổng hợp có văn bản gửi Sở Xây Dựng để được xem xét. Qua đó, các phòng, ban chuyên môn của quận đang tiếp tục rà soát, kiểm tra lại hồ sơ thực tế hiện nay của các gia đình để tham mưu cho UBND quận ban hành văn bản gửi sở Xây Dựng theo hướng dẫn của Sở TNMT với mong muốn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân” - Giám đốc Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ Trần Mạnh Cường khẳng định.