Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Thanh Xuân: Cải cách hành chính hướng tới thực chất, đồng bộ

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những đơn vị đi đầu TP trong ứng dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính (CCHC), UBND quận Thanh Xuân tiếp tục rà soát và kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.

 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân.
Không có hồ sơ chậm, muộn
Theo UBND quận Thanh Xuân, với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, công tác CCHC 9 tháng qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức tiếp tục được thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả.
Trong quý III/2019, quận Thanh Xuân đã tiếp nhận 2.877 hồ sơ; đã giải quyết và trả cho tổ chức, công dân đúng hạn 2.807 hồ sơ; đang giải quyết 70 hồ sơ (chưa đến hạn); không có hồ sơ chậm, muộn. Tại 11 phường đã tiếp nhận 15.251 hồ sơ; đã giải quyết và trả cho tổ chức, công dân đúng hạn 15.073 hồ sơ; đang giải quyết 178 hồ sơ (chưa đến hạn); không có hồ sơ chậm, muộn.
Qua rà soát, số lượng TTHC được niêm yết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đang thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp quận 223 thủ tục; cấp phường 99 thủ tục. TTHC mức độ 3, 4 được UBND quận triển khai theo đúng lộ trình của UBND TP Hà Nội. 100% các TTHC sau khi công bố được công khai theo quy định trên Cổng thông tin điện tử quận và Bộ phận một cửa quận.

Thời gian qua, UBND quận Thanh Xuân và các phường luôn nghiêm túc thực hiện công khai đường dây nóng, công khai đường dây tiếp nhận phản ánh kiến nghị về TTHC (của TP, quận và cấp phường). Đồng thời, công khai số điện thoại của lãnh đạo có liên quan. Trong quý III/2019, quận nhận được một phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa về lĩnh vực cấp sổ đỏ. UBND quận đã mời công dân đến và giải thích rõ về quy trình, thủ tục, thẩm quyền trong việc cấp sổ đỏ.
Công dân đã hiểu và cám ơn UBND quận kịp thời giải thích cho công dân.

Mô hình thí điểm “Khu dân cư điện tử, Tổ dân phố điện tử” tại khu dân cư số 6, 7, 8 phường Hạ Đình (thực hiện từ tháng 8/2015) và khu dân cư điện tử Hapulico tại phường Thanh Xuân Trung (thực hiện từ năm 2016) ra đời là giải pháp đáng chú ý. Không chỉ người dân thuận tiện hơn trong giải quyết TTHC, mà chính quyền dường như cũng nhàn hơn.
Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Từ những kết quả đã có, quận Thanh Xuân xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đồng bộ trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng CCHC. Trong đó, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC gắn với việc thực hiện tốt chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho hay, quận luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Chất lượng kiểm soát TTHC tại các phòng, ban, đơn vị và UBND 11 phường được nâng cao, hiệu quả và thiết thực. Việc rà soát đơn giản hóa TTHC; việc công bố, công khai được thực hiện nghiêm đúng quy định. Công tác tuyên truyền, công khai về TTHC được thực hiện đa dạng về hình thức, tạo điều kiện cho việc tiếp cận, thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân.
Thời gian tới, quận Thanh Xuân tiếp tục rà soát đánh giá TTHC, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN khi tham gia giải quyết TTHC. Cùng đó, quận tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về mức độ tiện ích của phần mềm điện tử dùng chung 3 cấp, tính năng tiện lợi của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. “Ngoài ra, quận tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC, bảo đảm việc giải quyết các TTHC theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại quận” – ông Nguyễn Xuân Lưu thông tin.
Việc triển khai chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cần có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt để xây dựng chính quyền điện tử cần có công dân điện tử. Tuy nhiên, một bộ phận công dân hiện vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến nên tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 chưa cao.
Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu