Quản thị trường vàng: Chọn đường dễ hay đường tốt?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường vàng một mình một chợ, người dân chịu thiệt khi chêch lệch trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, DN cũng không được lợi gì từ chính sách độc quyền vàng miếng. Đó là thực tế diễn ra tại thị trường vàng Việt Nam nhiều năm qua.

Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, vàng miếng do nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Ngoài ra, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Như vậy, NHNN quản lý nguồn vàng nhập khẩu nên chỉ nhập khẩu khi nào cần thiết. Trong khi đó, nhu cầu với vàng của người dân vẫn tăng trưởng đều đặn. Theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý 2/2021 lên 14 tấn trong quý 2/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp thì giá cả tăng cao là chuyện đương nhiên.

Tại cuộc làm việc mới đây với NHNN, đại diện SJC thừa nhận, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường cao, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới. Người mua bị thiệt và chính DN bản thân thương hiệu được chọn là thương hiệu vàng quốc gia cũng không có lợi gì với quy định độc quyền vàng miếng.

Tổng Giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng cho biết: "Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi là thương hiệu vàng quốc gia, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng đến gần 400 tỷ đồng/năm hiện chỉ đạt 74 - 80 tỷ đồng lãi ròng".

Nhiều năm nay, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị về việc sửa đổi, thậm chí là thay thế Nghị định 24 theo hướng NHNN không sản xuất vàng miếng, không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thị trường vàng hiện nay đã ổn định, nhiều quy định về đầu tư kinh doanh đã phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế nên việc quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã không còn phù hợp.

Phía NHNN cho rằng, Nghị định 24 đem lại sự ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa, góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua; không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, Nghị định 24 được đưa ra với chủ trương Nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng, không khuyến khích người dân giữ vàng, nhưng thực chất vàng vẫn là một loại tiền tệ có tác động đến chính sách tiền tệ. Giá vàng còn là một trong những loại hàng hóa có vị trí lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi. Do đó, nếu để giá vàng tăng cao sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế, gia tăng lạm phát.

Giá vàng trong nước quá cao còn làm tăng tình trạng buôn lậu vàng, làm “chảy máu” ngoại tệ, để lâu sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, nguồn dự trữ quốc gia nói chung. Như vậy, có vẻ như, NHNN đang chọn con đường dễ, “quản” thị trường bằng gậy hành chính, thay vì chọn con đường tốt để thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, tốt cho người dân, DN và kinh tế vĩ mô.

Hiện, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh câu chuyện về quản lý thị trường vàng, nhất là về việc nên hay không để Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Từ trước đến nay, nhiều ý kiến đã nêu về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hay sàn vàng quốc gia để tạo thành “sân chơi” cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng nếu thành lập thì ngoài giao dịch vàng vật chất thì phải có giao dịch vàng tài khoản. Nhưng có thể cơ quan điều hành lo ngại không quản lý được các hoạt động giao dịch vàng nên vẫn còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, rõ ràng, cơ quan quản lý cần có sự thay đổi trong cách thức điều hành hoạt động kinh doanh vàng. NHNN vẫn có thể độc quyền nhưng phải có phương thức, giải pháp để điều hòa hợp lý, bình ổn thị trường như xem xét lượng vàng nguyên liệu xuất nhập khẩu như thế nào để cung đủ cầu, tránh hiện tượng chênh lệch giá quá cao như hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần