Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các phương thức quảng bá như thông tin tuyên truyền đối ngoại; hợp tác quốc tế.

Các hoạt động quảng bá này diễn ra ở  trong tổ chức các sự kiện văn hóa, sản xuất các sản phẩm văn hóa; xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử; giao lưu văn hóa, giáo dục, trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại.

Trình diễn áo dài ở Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 9. Ảnh: Nam Thanh
Trình diễn áo dài ở Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 9.
Ảnh: Nam Thanh

Nhờ đó, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trở nên gần gũi hơn đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61% nghĩa là mới chỉ mức trung bình của thế giới.

Theo Đề cương về văn hóa năm 1943, một dân tộc độc lập phải có một nền văn hóa độc lập và muốn quảng bá văn hóa thì phải xuất khẩu được văn hóa, phải để công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Chúng ta lại đang thiếu khung thống kê về văn hóa quốc gia làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, dự đoán xu hướng phát triển của ngành và thu hút đầu tư nhiều hơn từ các khu vực công và tư nhân cho phát triển văn hóa.

Cụ thể, phương thức và khung thống kê về văn hóa của nước ta chưa thường xuyên cập nhật các khung thống kê mới về các ngành văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa theo các tiêu chuẩn thống kê quốc gia và quốc tế như UNCTAD, Viện số liệu UNESCO, UN Comtrade.

Những hạn chế trong công tác thống kê dẫn đến sự thiếu vắng các bằng chứng định lượng có tính thuyết phục về đóng góp của ngành văn hóa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt là những đóng góp của các hoạt động văn hóa và sáng tạo đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

“Thiếu cơ sở dữ liệu gây ảnh hưởng tới giá trị lý luận và thực tiễn của công tác hoạch định chính sách ngành văn hóa. Muốn định vị, quảng bá văn hóa thì phải có số liệu, thông tin thuyết phục, chứ không thể nói suông. Đề cương năm 1943 xác định văn hóa là một mặt trận, vậy chúng ta không thể chiến đấu nếu như không biết trong tay chúng ta đang có gì” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

Trước vấn đề này, theo các chuyên gia giải pháp nằm ở ý thức con người. TS Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP nhắc lại 3 nguyên tắc vận động đã được nêu rõ trong Đề cương về văn hóa năm 1943, đó là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa và khẳng định rằng chỉ có giáo dục văn hóa mới tạo ra một hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn Lê Quý Dương (tác giả tiết mục rối “Mơ Rồng”) khẳng định giáo dục là gốc rễ của văn hóa.

“Nói đến quảng bá văn hóa ra nước ngoài, chúng ta hay nghĩ đến việc đưa các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, song cái chúng ta cần quảng bá không chỉ là một tác phẩm đơn lẻ mà phải là tinh thần văn hóa Việt Nam trong mỗi cá nhân người nghệ sĩ. Mỗi người phải mang một sự tích tụ về văn hóa thì khi ra nước ngoài biểu diễn, họ mới trở thành một đại sứ văn hóa” - đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.