Nằm bên tuyến Quốc lộ 1A, làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với nghề tạo ra những sản phẩm từ mây, tre, nứa… phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt. Hằng năm, nơi đây đã cung ứng ra thị trường hàng nghìn sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Theo người dân nơi đây, nghề mây tre đan đã có ở Thọ Đơn từ khoảng gần 400 năm trước và được “cha truyền con nối” cho đến ngày nay.
Để đưa một sản phẩm ra thị trường, những người thợ làng Thọ Đơn phải tỉ mẫn, khéo léo và nhẫn nại trong từng công đoạn. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế tác ra sản phẩm đều phải rất công phu.
Đầu tiên người thợ phải tìm mua và chọn những cây tre, nứa thân to, thẳng vào các tháng rét để tránh mối, mọt… về cưa ra thành những khúc dài bằng nhau để làm nguyên liệu.
Sau đó, số nguyên liệu này sẽ được chẻ thành những sợi nan có độ dày mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô, người thợ sẽ lấy vào vót phẳng và đan chúng lại rồi tiến hành nứt, lận để tạo ra thành phẩm. Mỗi sản phẩm lại có một kỹ thuật đan khác nhau nên thời gian hoàn thành và giá trị sản phẩm cũng khác nhau.
Bà Lê Thị Hà (SN 1962, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) cho biết, bà bắt đầu làm nghề đan này từ khi còn là cô thiếu nữ 13 - 14 tuổi, đến nay đã có hơn 40 năm trong nghề, cốt lõi quyết định nên chất lượng sản phẩm là chất lượng tre nứa. “So với các làng nghề khác, nguồn tre mà người Thọ Đơn dùng rất đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm được cung ứng ra thị trường có độ bền, đep mang đặc trưng riêng, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng”, bà Lê Thị Hà tự hào nói.
Trước đây, sản phẩm của làng Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày như: thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá... Hiện nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân làng nghề đã tích cực cải tiến chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Bà Đoàn Thị Vần (SN 1958, phường Quảng Thọ) cho biết, vài năm trở lại đây gia đình bà đã chuyển sang làm sản phẩm theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. “Mỗi ngày, vợ chồng tôi đan được khoảng 20 cái mẹt đựng thức ăn để bán cho các quán hàng, mỗi chiếc thành phẩm có giá 10.000 đồng, làm được bao nhiêu, gom lại người ta sẽ đến thu mua tận nhà.” bà Đoàn Thị Vần nói.
Qua tìm hiểu, hiện nay làng nghề Thọ Đơn có khoảng 510/887 hộ làm nghề đan lát, thu về hơn 24 tỷ đồng mỗi năm, tạo công việc, thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng đã được tư thương mang đi các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Hội An… và rất được khách hàng ưa chuộng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ Trần Văn Dục cho biết, hiện trên địa bàn phường có khoảng 70 cơ sở thu mua, phân phối sản phẩm đi các vùng trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. “Các hộ làm nghề đan lát đã đóng góp chung vào phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển làng nghề hơn nữa để phục vụ bà con Nhân dân sản xuất”, ông Trần Văn Dục thông tin.
Nghề mây, tre đan thủ công ở Thọ Đơn tuy là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho người dân, ngoài giá trị về văn hóa còn giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống của cư dân. Để phát triển bền vững, làng Thọ Đơn cần có những hướng đi đúng đắn và sự quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền sở tại để “nghề truyền thống” không bị mai một theo thời gian.