Theo chân người giữ rừng
Những ngày đầu tháng 7/2023, dưới cái nắng như “thiêu da, đốt thịt”, bằng lời hẹn trước, chúng tôi được theo chân những người “giữ rừng” của Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình khám phá khu rừng dẻ tái sinh, nơi tạo sinh kế cho người dân lâu nay.
Từ sáng sớm, có mặt tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch, căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn đồi - nơi sinh hoạt của 6 cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ “giữ rừng”. Lúc này, các anh đang tất bật chuẩn bị đồ dùng cho chuyến đi thực địa. Hành trang mang theo gồm võng, đèn pin, thức ăn, nước uống và trang thiết bị nghiệp vụ...
Sau thời gian nghỉ tại Trạm chừng 30 phút, chúng tôi lên xe máy cùng các anh men theo lối mòn nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn vào rừng với chi chít ổ voi, ổ gà. Mặt trời đã bắt đầu phủ bóng với những tia sáng của mùa hạ của miền Trung, nhiều đoạn đường dốc dựng đứng, bụi bay mù mịt khiến cung đường càng gian truân hơn.
Để giải đáp băn khoăn của chúng tôi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch Lê Ngọc Duẩn cho biết, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cán bộ, nhân viên phải đi lại thường xuyên trên những cung đường như thế, bất kể trời nắng hay mưa…
“Hằng ngày, anh em ở đây phải căng mình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vào mùa khô, anh em tập trung làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng cháy, chữa cháy. Mùa mưa, công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng đường lầy lội, vất vả hơn”, anh Lê Ngọc Duẩn tâm sự.
Di chuyển chừng 5km, hết đường mòn, đẩy xe máy vào sát bụi cây ven đường, chúng tôi men theo lối nhỏ dẫn sâu vào rừng, hướng đến khu vực tiểu khu 171A (địa phận xã Quảng Lưu). Do địa hình dốc cao, đường nhỏ và hiểm trở, chúng tôi phải luồn lách qua các bụi gai rậm và vạt cây bụi cao quá đầu người, hai bên đường là những cây dẻ cao lớn, sần sùi, tán lá rộng, tiếng chim hót ríu rít vang khắp...
Đi chừng hơn 1 giờ, ai nấy đều thấm mệt. Bên một sườn đồi cao, dừng chân nghỉ ngơi, phóng tầm mắt ra chiêm ngưỡng rừng phòng hộ và ngỡ ngàng khi trước mắt chúng tôi là một cánh rừng dẻ ken dày đặc, cây cao lớn và phủ xanh ngút ngàn.
Anh Phạm Hồng Khánh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch cho biết, hơn 20 năm trước, khi cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người dân lên rừng chặt phá, gỗ to thì đem bán, củi nhỏ dùng để đun, những dãy đồi cứ thế loang lổ, trọc lốc. Cũng từ đó, thiên tai, hạn hán lũ lượt kéo về, cuộc sống người dân quanh vùng vốn lại càng khó khăn bội phần.
“Bằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân yêu rừng, có trách nhiệm với rừng, những năm 2000, lệnh “đóng cửa rừng” được thực hiện nghiêm ngặt. Từ đó, khu rừng dẻ dần được tái sinh và phát triển như ngày nay”, anh Phạm Hồng Khánh nói.
Rừng dẻ “đẻ” ra vàng
Từ ngày rừng dẻ tái sinh, cuộc sống của người dân trở nên khấm khá, đổi thay từng ngày, giữ được rừng, tình trạng hạn hán vào mùa khô, lũ lụt, ngập úng vào mùa thuyên giảm đi đáng kể.
Rừng dẻ không những che chở, bảo vệ, tạo hành lang xanh cho người dân an cư, lập nghiệp mà còn mang lại nguồn lợi to lớn. Bên cạnh đó, khu rừng còn là nơi hội tụ hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, góp phần vào sự đa dạng sinh học đang ngày càng bị thiếu hụt.
Anh Phạm Hồng Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch cho hay, cứ vào tháng 10, tháng 11 dương lịch hằng năm, mùa dẻ rụng, hàng trăm người dân các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và các vùng lân cận lại vào rừng thu lượm hạt mỗi ngày. Hạt dẻ rừng nơi đây đặc biệt thơm bùi, vị ngọt thanh, nhân hạt chắc và có màu trắng tinh, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Vào mùa dẻ rụng, mỗi người dân vào rừng cũng lượm được chừng 2 - 3 tạ. Thương lái thu mua cũng hơn chục triệu đồng. Tiền, vàng từ đó mà ra, con cái được học hành, đau ốm, bệnh tật có tiền để chữa trị, kinh tế gia đình trở nên khấm khá”, anh Phạm Hồng Khánh kể.
Chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ Quảng Trạch Lê Ngọc Duẩn cho biết, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 12.688,69ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, dàn trải trên địa bàn 7 xã của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Rừng phòng hộ Quảng Trạch có nhiều loại cây bản địa sống, sinh trưởng, nhưng phần lớn là cây dẻ được phân bố nhiều ở các vùng thuộc xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hợp…
“Đặc thù thời tiết miền Trung vào mùa hè nền nhiệt luôn ở mức cao, tại các khu rừng chực chờ phát lửa, do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được triển khai 24/24 tại đơn vị cũng như tại các trạm bảo vệ rừng. Thời gian này, đơn vị tăng cường bố trí lực lượng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ rừng từ gốc”, anh Lê Ngọc Duẩn nói.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch Phạm Hồng Khánh cho biết, để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt tại những nơi cảnh báo có nguy cơ cháy cao và rừng phòng hộ, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã chủ động xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp. Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phòng chống cháy rừng, tích cực tuần tra kiểm soát các hành vi, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, khuyến khích các cá nhân, tập thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn.
Nghỉ ngơi xong, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình trong rừng. Chiều muộn, kết thúc chuyến tuần tra, kiểm soát, chia tay với những “người giữ rừng”, chúng tôi hồi tưởng về một cuộc hành trình đầy ý nghĩa, về khu rừng dẻ đang tái sinh từng ngày. Giá như tất cả mọi người đều chung tay, giữ gìn, bảo vệ thì sẽ được rừng đền đáp xứng đáng.