Điểm tên đơn vị “ngâm vốn”
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, gần hết tháng 12 nhưng tỉnh Quảng Nam mới giải ngân được 62,21% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tương ứng gần 5.659 tỷ đồng trên tổng số gần 9.096 tỷ đồng. Kết quả này cao hơn cùng kỳ năm 2023 (60,4%) nhưng vẫn còn xa mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch do Thủ tướng giao.
Các đơn vị có tỷ lệ giải ngâm chậm gồm Sở Y tế, Ban Quản lý (BQL) dự án ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Dân tộc, Trung tâm dịch vụ việc làm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, Trường Cao đẳng Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Ở nhóm các địa phương có 4 huyện giải ngâm chậm gồm: Nông Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, Quế Sơn và TP Hội An.
Đại diện các đơn vị cho biết, một số nguyên nhân dẫn đến chậm trễ giải ngân như công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tình trạng thiếu nguồn vật liệu xây dựng, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, công tác tổ chức triển khai vẫn hạn chế, điều kiện thời tiết không thuận lợi…
Đối với một số dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn phân bổ còn hạn chế, công trình đa số quy mô nhỏ nhưng nhiều, đặc biệt công tác đấu thầu bất cập…
Truy trách nhiệm, không đổ cho khách quan
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã làm việc với lãnh đạo các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, dưới mức trung bình.
Ông Lê Văn Dũng nghiêm khắc phê bình các đơn vị “ôm vốn” nhưng lại không có giải pháp giải ngân theo đúng cam kết. Tỉnh sẽ xem xét phê bình kiểm điểm, thậm chí đề xuất hình thức xử lý; xem tỷ lệ giải ngân là chỉ tiêu quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà thầu phải thực hiện phương châm “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khối lượng nghiệm thu theo yêu cầu kỹ thuật và nhật ký công trình, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán, không để dồn hồ sơ thanh toán gộp nhiều đợt nghiệm thu vào những ngày cuối năm.
Riêng các chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh, điều phối nông thôn mới tỉnh, điều phối chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác theo dõi các chương trình phụ trách; hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện các chương trình về Sở Kế hoạch và Đầu tư và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các chương trình mục tiêu quốc gia theo dõi, chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhắc lại chủ trương đã giao vốn phải làm, không được ham vốn. Năm 2025, lãnh đạo tỉnh cần xem xét cơ chế vốn cho các đơn vị, cần rõ ràng và cụ thể để có chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Chưa kể, công tác phân bổ vốn cần tính toán dựa trên năng lực của từng đơn vị, ai yếu kém thì hạn chế.