70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Cây gừng gió “sống khỏe” ở vùng cao

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, gừng gió đang có triển vọng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người Cor ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi).

Gừng gió (hay còn gọi gừng sẻ) là loại cây gia vị, dược liệu quen thuộc của đồng bào Cor huyện miền núi Trà Bồng. Ngày trước, dân làng thường dùng để làm gia vị chế biến món ăn hay điều trị những bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, ho, đau bụng... Những năm gần đây, gừng gió dần trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Vài năm qua, gia đình anh Hồ Văn Nghĩa (thôn Trà Xuông, xã Sơn Trà) tập trung trồng gừng gió để kiếm thu nhập. “So với trồng keo thì gừng gió đạt hơn. Gừng ngắn ngày mà giá cao, keo trồng trên núi cao, tiền cước nó ăn hết, không có hiệu quả”, anh Nghĩa nhận định.

Gừng gió là cây trồng ngắn ngày, ít tốn công.
Gừng gió là cây trồng ngắn ngày, ít tốn công.

Theo người trồng gừng gió chia sẻ, so với cây keo, cây gừng gió có nhiều ưu thế nổi trội hơn hẳn. “Trồng gừng rất nhẹ công, trong 1 năm đã cho thu hoạch, giá trị kinh tế lại cao hơn. Nhiều người đang có dự tính chuyển sang trồng cây này”, anh Hồ Văn Thảo (Trà Ong, xã Sơn Trà) chia sẻ.

Bình thường, giá gừng gió ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá gừng gió bán ra thị trường đạt đến 100.000/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây gừng gió, nhiều bà con đã tự giác trồng, để giống và nhân rộng diện tích.

Củ gừng gió.
Củ gừng gió.

Từ cuối năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trà Bồng triển khai thử nghiệm mô hình “Trồng cây gừng gió xen canh một số loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày” trên diện tích 2,4 ha. 19 hộ dân ở xã Sơn Trà tham gia mô hình này được cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, xen canh cây gừng gió với cây lúa rẫy… trong vườn nhà hay trên nương rẫy.

Ông Nguyễn Công Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng cho biết: “Cây gừng gió phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại xã vùng cao Sơn Trà. Mô hình này đem lại hiệu quả vượt bậc so với các loại cây trồng ngắn ngày khác".

Theo lời giải thích của một số già làng, cái tên "gừng gió" xuất phát từ đặc điểm loài gừng này hay mọc (và sau đó được mang về trồng) trên khu vực núi trống và luôn có nhiều gió. Còn một số khác thì cho rằng, có lẽ do mùi thơm của nó theo gió bay đi rất xa nên mới có tên gừng gió.

Gừng gió sinh trưởng tốt ở xã Sơn Trà.
Gừng gió sinh trưởng tốt ở xã Sơn Trà.

Vì là cây bản địa nên nguồn giống cây gừng gió hiện nay rất hiếm, chỉ do người dân tự trồng và giữ giống, nhân giống. Gừng gió có vị cay, ngọt nhẹ, thanh chứ không gắt, có hương thơm rất đặc trưng nên từ nhiều năm qua, gừng gió là một trong những loại đặc sản được người miền xuôi ưa chuộng và tìm mua mỗi khi có dịp đến Trà Bồng.

Nhiều người ở dưới xuôi lên buôn bán, công tác, thấy giống gừng thơm ngon nên cũng xin về trồng nhưng tất cả đều có phản hồi rằng, chỉ có gừng gió trồng trên đất Sơn Trà, hay những vùng núi cao ở các xã khu Tây huyện Trà Bồng mới có hương vị đặc trưng, thơm ngon, gừng gió trồng ở vùng đồng bằng không thể sánh bằng. 

Gừng gió trồng ở vùng cao Trà Bồng có mùi thơm đặc trưng.
Gừng gió trồng ở vùng cao Trà Bồng có mùi thơm đặc trưng.

Vì vậy, để bảo tồn và phát triển, nhân rộng diện tích cây gừng gió trên địa bàn, chính quyền xã Sơn Trà và ngành nông nghiệp huyện Trà Bồng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển loài cây này.

Huyện Trà Bồng cũng ban hành Nghị quyết số 01 về bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện, trong đó có cây gừng gió. Theo đó, 6 xã phía Tây của huyện Trà Bồng là Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây được khoanh vùng trồng gừng gió trên diện tích 20ha, định hướng phát triển lên 30ha vào năm 2030.

Với những thuận lợi hiện nay, gừng gió đang rất có triển vọng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo trên vùng cao Trà Bồng.