Quảng Ngãi: Còn 30.719 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa cấp

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 30.719 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa cấp (trong tổng số 50.003 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần cấp) liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2013 - 2020.

Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách dồn điển, đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng do Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức vào ngày 26/4.

Quang cảnh phiên giải trình.
Quang cảnh phiên giải trình.

Cụ thể, trong số 30.719 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa cấp, huyện Bình Sơn có 2.910 giấy, huyện Sơn Tịnh có 3.025 giấy, huyện Tư Nghĩa có 2.283 giấy, huyện Mộ Đức có 8.462 giấy, huyện Đức Phổ có 3.424 giấy, huyện Nghĩa Hành có 2.587 giấy.

Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền sử dụng đất của người dân, gặp khó khăn trong việc lập đề án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý đất đai.

Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn hơn 50% GCNQSDĐ chưa cấp.

Trong đó, chủ yếu là công tác chia lại đất và giao đất tại thực địa có một số hộ chưa chính xác, biến động diện tích khá lớn so với diện tích của hộ trước khi dồn điền. Vì vậy, cần điều chỉnh lại diện tích của các hộ nên chưa thể thực hiện cấp GCNQSD đất.

Một số địa phương cấp xã khi lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ dồn điền đổi thửa không kịp thời. Diện tích tăng ngoài GCNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân do nhiều nguyên nhân như: Bao chiếm, khai phá, ngoài sổ sách cân đối theo Nghị định 64, chưa xác định rõ nguồn gốc, gây khó khăn trong công tác thực hiện cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ…

Ngoài ra còn có nhiều trường hợp hộ gia đình vắng mặt tại địa phương chưa xác lập được hồ sơ cấp giấy chứng nhận; chưa thực hiện các thủ tục phân chia thừa kế.

Theo ông Trung, những vấn đề trên thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã và huyện. Với thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND địa phương rà soát, tổng hợp, phân loại các trường hợp tồn đọng trong cấp GCNQSDĐ đối với các trường hợp đã thực hiện dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2013- 2020.

Xây dựng kế hoạch, thời gian cụ thể để thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vướng mắc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng đất; chỉ đạo thanh toán nợ đọng trong việc thực hiện dồn điền đổi thửa và thanh quyết toán theo quy định.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, công tác dồn điền, đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo “bước đệm” để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Dồn điền đổi thửa là “bước đệm” để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Dồn điền đổi thửa là “bước đệm” để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Đứng trước hiện trạng ruộng đất trên địa bàn tỉnh còn manh mún, phân tán nhỏ lẻ, tất yếu phải thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất; làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại hạn chế, chưa thực hiện đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Bà Vân đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cho người dân, để khi chuyển sang thực hiện giai đoạn mới của chính sách không bị vướng mắc.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, không chỉ trách nhiệm của UBND các cấp, các sở, ban ngành mà còn có trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của Nhân dân.

"Thông qua việc dồn điền, đổi thửa, chúng ta tạo ra được quỹ đất phục vụ cho việc quy hoạch xây dựng các công trình để đáp ứng các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, tạo quỹ đất để phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghệ cao, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế"- bà Vân nói.