Nhu cầu nhiều, thực tế thiếu
Sau những ngày khai thác trên biển, ngư dân Nguyễn Thành Chung (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) lại đưa 3 tàu của mình về cập các cảng tại Đà Nẵng, Bình Định.
“Các cảng ở Quảng Ngãi ra vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập làm hư tàu. Luồng lạch vào cảng không những chật hẹp mà còn cạn, dễ xảy ra tai nạn. Bởi vậy, mấy năm qua, tàu của tôi đánh bắt trở về đều cập cảng ở các tỉnh khác”, anh Chung chia sẻ.
Trong khi đó, ngư dân Phạm Văn Thanh (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) cho biết, mỗi chuyến biển trở về, trở ngại lớn nhất là tìm chỗ neo đậu tàu thuyền. Sau khi xuống cá, ông thường cho tàu chạy về cập tạm ở các nhánh sông, mùa mưa lũ rất lo lắng.
Quảng Ngãi là tỉnh có đội tàu hùng hậu ở khu vực miền Trung với hơn 4.500 tàu cá lớn, nhỏ, trong đó khoảng 3.300 tàu có chiều dài trên 15m. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh này hiện có 5 cảng, trong đó 2 cảng cá là cảng Sa Huỳnh và cảng Tịnh Kỳ, 3 cảng neo trú tàu thuyền gồm Lý Sơn, Mỹ Á và Tịnh Hòa, đảm bảo cho 1.750 tàu thuyền neo đậu, chỉ đáp ứng được khoảng 30% lượng tàu cá toàn tỉnh.
Thực tế trong những năm qua, do nguồn kinh phí hạn chế, tỉnh Quảng Ngãi không cân đối được nguồn ngân sách nên hạ tầng các cảng cá ít được đầu tư, nâng cấp. Điều này dẫn đến hầu hết cảng chưa đáp ứng được tiêu chí về cảng loại I, loại II theo quy hoạch.
Vì hạ tầng nghề cá còn thiếu và yếu như thế nên rất nhiều tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi không về địa phương để xuống cá, mà di chuyển đến các tỉnh lân cận hoặc ra phía Bắc. Mỗi năm, sản lượng hải sản qua các cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh.
Đơn cử, tại cảng cá Sa Huỳnh, hạ tầng yếu kém cộng với luồng tuyến thường xuyên bị bồi bấp, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện mỗi khi ra vào. Vì vậy, thay vì đáp ứng mục tiêu neo đậu cho 500 tàu, công suất dưới 400CV/chiếc, thực tế chỉ có 30 tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ cập bến mỗi ngày.
Hoặc như cảng neo trú Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), vào mùa mưa bão, khu vực này thường xuyên trong cảnh quá tải, chen chúc vì sức chứa chỉ khoảng 350 tàu, nhưng thực tế luôn ngấp nghé khoảng 400 tàu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, các cảng cá cũng như khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh ít được đầu tư về hạ tầng. Do vậy, số lượng tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển.
Đầu tư, nâng cấp hạ tầng nghề cá
Để khắc phục những bất cập trên, Quảng Ngãi đã và đang triển khai hàng loạt dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền.
Điển hình như dự án “Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa”. Dự án này được Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 400 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng.
Đây được xem là công trình trọng điểm của Quảng Ngãi trong lĩnh vực thủy sản, nâng năng lực neo trú từ 350 tàu lên 1.150 tàu và đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm có mặt bằng triển khai thực hiện. Dự kiến từ nay đến ngày 30/9/2023, sẽ hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, rà phá bom mìn, vật nổ.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Mục tiêu dự án là chỉnh trị toàn diện cửa biển Sa Huỳnh, đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng và tạo khu vực đủ rộng làm nơi neo đậu cho 500 tàu cá có công suất đến 400CV.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai thực hiện dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (TP Quảng Ngãi) với các dịch vụ cầu cảng; phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến và vận chuyển thủy sản sau thu hoạch; các dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng kho lạnh và nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động nghề cá.
Giai đoạn 1 của dự án triển khai thực hiện các hạng mục xây dựng đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc, phía nam và kè bảo vệ chống xói lở gốc đê phía nam. Tổng mức đầu tư dự án là 157 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 - 2023.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho hay, hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung nâng cấp hạ tầng cảng cá để phấn đấu đáp ứng từ 80 - 90% nhu cầu neo đậu tàu thuyền của ngư dân.
Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh.