Quảng Ngãi: định hình chiến lược phát triển du lịch sau sáp nhập
Kinhtedothi - Kết nối, hợp tác phát triển được xem là bước đi đầu tiên định hình chiến lược phát triển du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập, với mục tiêu kiến tạo các sản phẩm khác biệt, đậm bản sắc, tạo bứt phá mới cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Chiều 9/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm “Kết nối, hợp tác phát triển du lịch Quảng Ngãi”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), đồng thời mang ý nghĩa đặc biệt khi là diễn đàn chuyên đề đầu tiên về du lịch được tổ chức sau khi tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum hoàn tất sáp nhập và chính thức vận hành bộ máy chính quyền mới.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Trung khẳng định: trước sáp nhập, cả hai tỉnh đều đã gây dựng được thương hiệu du lịch riêng, có sức hút với du khách trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Trung.
Sau sáp nhập, Quảng Ngãi đang sở hữu hệ tài nguyên du lịch đa dạng bậc nhất với sự kết hợp giữa biển đảo, núi rừng, cao nguyên và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Các điểm đến nổi bật như đảo Lý Sơn, Sa Huỳnh, biển Mỹ Khê, Măng Đen, thác Pa Sỹ, núi Ngọc Linh... hứa hẹn mở rộng không gian du lịch và tạo động lực phát triển vùng.
“Toạ đàm là cơ hội để các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền cùng nhìn lại thực trạng, nhận diện tiềm năng, thảo luận định hướng phát triển du lịch bền vững. Mục tiêu là xây dựng các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, giàu bản sắc, vừa tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên vừa khai thác chiều sâu văn hóa, tạo dấu ấn riêng cho du lịch Quảng Ngãi trong giai đoạn mới”- bà Phạm Thị Trung nói.
Tại toạ đàm, đại biểu tập trung thảo luận các nội dung then chốt như: phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; nâng cấp hạ tầng, dịch vụ; tăng cường liên kết vùng; ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Nhiều ý kiến cho rằng cần tận dụng tối đa lợi thế địa hình sau sáp nhập để mở rộng các loại hình du lịch như biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa - cộng đồng, góp phần nâng tầm hình ảnh du lịch tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Y Ngọc phát biểu tại toạ đàm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Y Ngọc, việc tổ chức toạ đàm ngay sau sáp nhập thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt trong định hướng chiến lược phát triển ngành du lịch.
“Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo đặc sắc và đưa Khu du lịch Măng Đen trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng tầm quốc gia. Đồng thời, sẽ thúc đẩy liên kết liên vùng, ứng dụng công nghệ trong quảng bá và quản lý du lịch, xây dựng thương hiệu riêng, tạo bứt phá cho ngành”- bà Y Ngọc nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu mọi định hướng phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân phải thực sự là trung tâm, là đối tượng thụ hưởng từ sự phát triển bền vững của ngành.

Sở VHTT&DL công bố đường dây nóng về du lịch.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Sở VHTT&DL công bố đường dây nóng 0946.888.225 do Phòng Quản lý du lịch phụ trách nhằm tiếp nhận phản ánh, góp ý từ người dân, doanh nghiệp, từng bước xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp.
Đảng bộ xã Khánh Cường mở đầu Đại hội cấp cơ sở tại Quảng Ngãi
Kinhtedothi - Là xã đầu tiên của Quảng Ngãi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, sau sắp xếp đơn vị hành chính, Khánh Cường được Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân đánh giá cao và định hướng nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ mới.

Quảng Ngãi sẵn sàng cho đột phá hạ tầng giao thông
Kinhtedothi - Thực trạng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đang tạo áp lực lớn cho Quảng Ngãi. Trong khi đó, các dự án cao tốc, đường sắt, sân bay… đã được tỉnh chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, chờ chủ trương từ Trung ương để sẵn sàng bứt phá.

Sáp nhập là cơ hội để Quảng Ngãi bứt phá
Kinhtedothi-Tiếp xúc cử tri Quảng Ngãi sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: việc sáp nhập không chỉ là tái cơ cấu bộ máy mà là cơ hội vàng để phát triển toàn diện.