Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Khi nông sản địa phương vươn mình

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những sản phẩm OCOP đầu tiên của Quảng Ngãi chính là những “viên gạch” đặt nền móng đầu tiên cho "ngôi nhà lớn"- Ngôi nhà của những nông sản địa phương đủ sức mạnh để vươn mình ra biển rộng.

“Giấy thông hành”
Hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan các công đoạn của quá trình sản xuất nấm, anh Lê Giang Phong- Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) không giấu được niềm vui khi sản phẩm chủ lực của hợp tác xã đã lọt qua được những vòng tuyển chọn gắt gao và đạt kết quả như mong đợi.
 Nấm linh chi của HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận.
“Nấm linh chi vừa được đánh giá đạt 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP, là sản phẩm cao điểm nhất trong số 11 sản phẩm được đánh giá. Ngoài ra, còn có nấm bào ngư cũng được đánh giá đạt 3 sao”, anh Phong vui vẻ chia sẻ.
Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận được thành lập vào năm 2011, đến nay có 19 thành viên với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra còn có khoảng 30 hộ vệ tinh trong toàn tỉnh tham gia vào quy trình sản xuất. Trải qua nhiều thăng trầm, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận đã dần có thương hiệu trên thị trường. Riêng nấm linh chi của HTX đạt chuẩn “3 không”: không dùng hóa chất, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các loại chất kích thích.
“Thương hiệu thì mình cũng có rồi nhưng thấy vẫn chưa bền vững, từ khi biết đến chương trình OCOP thì thấy hào hứng lắm, nếu mình đạt tiêu chuẩn OCOP rồi thì mặc nhiên sản phẩm sẽ được lưu hành ở các địa phương khác chứ không phải chỉ lẩn quẩn trong tỉnh. Đây chính là tấm giấy thông hành cho sản phẩm và cũng là cơ hội quý để phát triển thêm thương hiệu”, anh Phong cho biết.
Cũng tại Mộ Đức, làng nước mắm nức tiếng của xã Đức Lợi vừa có sản phẩm mắm Đức Hải vừa được đánh giá đạt chuẩn OCOP. Mỗi tháng, cơ sở này chế biến 250 – 300 lít nước mắm nguyên chất, cung ứng cho chuỗi cửa hàng, siêu thị. Làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi hàng trăm năm qua theo nghiệp truyền nối. Ở làng nghề có tiếng, gần 200 hộ làng nghề chế biến mắm thủ công, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, thương hiệu riêng.
Quyết tâm đưa đặc sản vùng biển đi xa hơn, chị Phạm Thị Thúy Vân – chủ cơ sở sản xuất kinh doanh mắm Đức Hải quyết tâm tham gia OCOP.  Sau thời gian bền bỉ nâng chất lượng mắm, cải tiến mẫu mã, tìm nhiều kênh tiếp cận người tiêu dùng, sản phẩm nước mắm Đức Hải của chị đạt 3 sao OCOP.
 Sản phẩm truyền thống của chị Vân đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
“Vừa được đánh giá 3 sao nên mình rất phấn khởi, nhưng kèm theo đó là cũng thấy được cần có trách nhiệm nhiều hơn. Nếu như trước kia mình chỉ sản xuất ra mắm để bán, không chú trọng thương hiệu hay nhãn mác thì bây giờ phải thay đổi. Các tiêu chuẩn cũng phải chú trọng, bởi không đảm bảo là sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận ngay. Mình phải làm để người tiêu dùng biết đến mình nhiều hơn, sản phẩm không còn quẩn quanh trong chợ làng, chợ huyện”, chị Vân cho hay.
Những “viên gạch” đầu tiên của “ngôi nhà lớn”
Quảng Ngãi là vùng đất có rất nhiều sản vật trứ danh như tỏi Lý Sơn, nếp ngự Sa Huỳnh, quế Trà Bồng…Nhưng thực tế, nhiều năm qua, các sản phẩm đặc trưng này lại chưa thật sự đủ lớn để tiếp cận thị trường hiện đại. Do đó, chương trình OCOP-  mỗi xã một sản phẩm là cơ hội tốt để nâng tầm nông sản địa phương.
 Các nông sản của Quảng Ngãi tại một hội chợ.
Theo ông Ngô Văn Hưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện tại, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi vừa tiến hành chấm điểm đợt 2 đối với 11 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm của Mộ Đức, 3 sản phẩm của Lý Sơn và đã trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Cũng theo ông Hưng, Đề án được phê duyệt, toàn tỉnh có 113 sản phẩm nhưng hiện chỉ mới có 11 sản phẩm hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao là nấm linh chi của HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức), 10 sản phẩm còn lại như gạo sạch Ấn Trà, nước mắm, tỏi đen, bánh tráng… đều đạt 3 sao.
“Thực tế nhiều địa phương, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn gặp không ít trở lực. Quảng Ngãi có rất nhiều sản phẩm tiềm năng, tuy nhiên việc phát triển thành OCOP đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân các chủ thể và sự hỗ trợ tích cực của cấp chính quyền”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.
Ông Hưng cũng đưa dẫn chứng về huyện Mộ Đức. Trong số 11 sản phẩm OCOP đầu tiên của Quảng Ngãi, Mộ Đức có đến 8 sản phẩm, dù đây không phải là địa bàn có nhiều sản phẩm tiềm năng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể cũng như triển khai thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Lân- Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: “Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực việc đạt chuẩn OCOP sẽ kích thích sản xuất nông sản phát triển. Với địa phương thuần nông, ven biển thì chúng tôi thấy giá trị nông sản của mình sẽ tăng dần và được khẳng định từ uy tín, tin dùng của thị trường”.
Để các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm hàng hóa theo hướng liên kết, thì trước tiên phải quy tụ các hộ sản xuất lại với nhau thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, chính quyền địa phương mới có những định hướng cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng với họ để tìm ra hướng đi đúng, hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến khách hàng gần xa, huyện Mộ Đức còn tổ chức các chương trình văn hóa ẩm thực. Tại đây, các sản phẩm hàng hóa là đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống đều được đưa lên các gian hàng.
Dù vẫn còn ở trong giai đoạn đầu thực hiện nhưng chương trình OCOP ở Quảng Ngãi đã tạo được những bước chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động, nhất là các chủ thể. Nếu trước đây, các sản phẩm của Quảng Ngãi chưa quan tâm quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm, thậm chí việc kiểm nghiệm các tiêu chuẩn chỉ mang tính đối phó thì giờ đây, các chủ thể đã có trách nhiệm với các sản phẩm.
Khi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của chương trình OCOP thì sản phẩm của họ được hưởng lợi từ chương trình, nỗ lực để sản phẩm của chất lượng ngày cao hơn, có đăng ký chất lượng, mẫu mã hàng hóa và có thị trường để giải quyết được vấn đề lợi ích, phát triển sản phẩm. 
 “Cứ 3 năm thì hội đồng sẽ tổ chức đánh giá lại, còn việc kiểm tra thì sẽ được tiến hành hàng năm, chỉ cần vi phạm một tiêu chí nào là sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận Bây giờ tư duy các chủ thể đã thay đổi hẳn, họ có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm. Sản phẩm vừa có chất lượng tốt, vừa có mẫu mã đẹp để tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Đồng thời, các chủ thể cũng phải cố gắng vừa duy trì vừa nâng hạng. Ngoài 11 sản phẩm OCOP vừa được đánh giá, chấm điểm trên, hiện còn 15 sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và trải qua bước xét duyệt từ cơ sở trước khi đưa lên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh”, ông Hưng cho biết.