Tại vùng ven sông Phước Giang thuộc thôn An Sơn (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành), từ sau bão số 9 đến giờ, các nhà vườn đang tập trung khôi phục lại vườn cây ăn trái.
Vườn cau của ông Bạch Hữu Hậu (thôn An Sơn, xã Hành Dũng) đang thu hoạch trong thời điểm giá lên cao, giờ bị ngã đổ quá nhiều. Nhìn vườn cau cả chục năm tuổi tan tác, ông Hậu xót xa: “Bão làm cây ngã đổ quá nhiều. Giờ chỉ còn cách dựng lại các cây con, may ra mùa sau còn kiếm được chút ít".
Cây cau hàng niên, cây chuối lùn, chuối mật ăn đời ở kiếp với người dân xứ Quảng. Khi cau bị ngã đổ thì dựng lại hoặc trồng lại cây, còn chuối ngã đổ thì phát dọn chờ cây nảy mầm. Nhưng những vườn sầu riêng trồng trên đất Nam Bộ đưa về Nghĩa Hành trồng sau cơn bão số 9, việc khôi phục khó hơn nhiều.
Khu vườn của anh Nguyễn Đức Hiền (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân, giáp biên với xã Long Sơn) có 53 cây sầu riêng, 20 cây mít Thái bị ngã đổ, hư hỏng do bão số 9. Gần nửa tháng qua, anh luôn túc trực ngoài vườn, cố gắng gầy lại vườn cây.
“Cây trốc gốc thì nhổ, cây ngã thì chống trở lại, cây bị gãy ngọn thì cưa rồi bôi hóa chất. Ngoài ra, phải xới đất, bón thêm vôi, nhưng vẫn có nhiều cây bị héo rũ”, anh Hiền cho biết.
Các nhà vườn cũng phản ánh, hiện việc khôi phục vườn cây ăn trái, nhất là những cây trồng di thực từ các tỉnh miền Nam trở về ở huyện Nghĩa Hành đang gặp khó khăn. Do đó, ngoài kinh nghiệm và kiến thức, người dân đang cần sự hỗ trợ của ngành chuyên môn để giúp bà con sớm phục hồi lại vườn sau bão.
Theo ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, địa phương đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân phục hồi các vườn cây ăn quả còn lại.
"Ngoài những thiệt hại về nhà ở và trường học thì Nghĩa Hành có vùng chuyên canh cây ăn quả thiệt hại nặng nề như vùng chuyên canh chuối ngự, chôm chôm, sầu riêng thiệt hại nhiều. Bên cạnh đó, diện tích keo cũng thiệt hại rất lớn. Kinh phí để hỗ trợ người dân rất lớn, trong khả năng của huyện chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tổng hợp báo cáo lên tỉnh và kiến nghị để tỉnh có sự hỗ trợ kịp thời cho bà con", ông Đinh Xuân Sâm nói.
Được biết, huyện Nghĩa Hành được xem là vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng cây ăn quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bão số 9 và những trận mưa lớn vừa qua làm hơn 350 trong tổng số 500 ha cây ăn quả bị đổ ngã, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trắng tay.