Những ngày này, các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền của Quảng Ngãi như Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) rất nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền vào bến bốc dỡ cá.
Trong khi hàng chục tàu cập cảng, thì nhiều tàu công suất lớn cũng được ngư dân khẩn trương vệ sinh, nạp dầu, chuyển đá, nước uống, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày sắp tới.
Ngư dân Đặng Văn Cường - chủ tàu cá QNg 91374TS (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) dự kiến cùng anh em bạn biển ra khơi và đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ngay trên vùng biển Hoàng Sa.
“Chắc sẽ về bờ sau mùng 10 Tết. Mình làm biển nên phải ra khơi, vừa bám biển vừa giữ đảo cho Tổ quốc”, ngư dân Cường chia sẻ.
Tết này, vợ chồng ngư dân Phạm Văn Ninh (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng không đoàn tụ, người ở bờ, người trên biển. Trong bến, anh Ninh và các ngư dân đang khẩn trương chuẩn bị khởi hành ra Hoàng Sa để khai thác hải sản.
“Anh em ra Hoàng Sa bám biển, vào bờ rồi mình ăn Tết sau cũng được”, ngư dân Ninh cho biết.
Thời tiết đang thuận lợi, ngư dân động viên nhau cùng cố gắng để sau Tết gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập khá.
Theo kinh nghiệm, Tết là thời điểm dễ trúng nhiều luồng hải sản giá trị, cộng với giá bán tăng mạnh, chuyến biển trong dịp này có thu nhập rất cao. Vì thế, nhiều ngư dân Quảng Ngãi thường ăn Tết ngay trên biển, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Các ngư dân cũng cho rằng, không chỉ là mưu sinh, cuộc vượt biển và đón Tết Nguyên đán nơi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của họ về chủ quyền biển, đảo.
Theo Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, những ngày cuối năm, lượng tàu thuyền cập các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Sau khi xuất bán sản phẩm, nhiều ngư dân khẩn trương vệ sinh tàu để tiếp tục xuất bến vươn khơi.
Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tích cực giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cập cảng, xuống cá và xuất bến cho ngư dân.