Quảng Ngãi: Nơi học sinh đi học từ 3 giờ sáng

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Băng qua con đường núi trơn trợt, đầy sỏi đá từ khi trời còn tối đen như mực, học sinh khu tái định cư Gò Nổi (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) cùng dắt nhau đến lớp. Khi đến nơi, quần áo nhiều em ướt nhẹp, lạnh run, mặt mũi lấm lem bùn đất.

Ăn cơm với muối trắng

Điểm trường hỗn hợp ở khu tái định cư Gò Nổi (tổ 2, thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) có 51 học sinh mầm non, lớp 1, lớp 2 đang theo học. Trong đó, lớp mầm non có 25 em thì có 8 em ở tận núi Ke (tổ 3, thôn Tây) - nơi xa nhất của xã Trà Sơn. Để đến được trường, các em phải dậy rất sớm đi bộ nhiều giờ liền. Khi đến nơi, quần áo nhiều em ướt nhẹp, lạnh run, mặt mũi lấm lem bùn đất.

Học sinh thôn Tây dậy từ rất sớm để đi bộ đến lớp. (Ảnh: Thanh Thủy)
Học sinh thôn Tây dậy từ rất sớm để đi bộ đến lớp. (Ảnh: Thanh Thủy)

Đưa mắt dạo một lượt quanh phần cơm của từng học sinh, cô Hồ Thị Phương Thủy (47 tuổi) giải thích: “Hiếm hoi lắm mới được bữa có nhiều em mang theo đồ ăn ngon như vậy. Những em có cá thịt để ăn là do gia đình vừa cúng lúa mới, còn bình thường ăn cơm với rau, muối”.

Dứt lời, cô Thủy lại nhanh nhẹn vào trong lớp lấy chai xì dầu ra, xịt một ít vào quả trứng luộc được dằm nhỏ của Hồ Thị Bích Ý và Hồ Thị Bích Tú, rồi lại “xin” một bạn khác có phần ăn dồi dào hơn để “bổ sung” cho 2 chị em và em Hồ Trọng Khoa.

Học sinh miền núi thường xuyên ăm cơm với muối trắng.
Học sinh miền núi thường xuyên ăm cơm với muối trắng.

“Em Tú và em Ý là 2 chị em ruột. Hôm nay các em vẫn ăn bình thường như mọi khi, không được ngon như nhà các bạn có cúng lúa mới. Còn em Khoa nhà khó khăn lắm, ăn cơm với muối trắng hoài. Xì dầu là mình chuẩn bị sẵn, bữa nào các em mang cơm không hoặc đồ ăn nhạt nhẽo quá, mình lấy cho các em ăn cùng” - cô Thủy chia sẻ.

 

Thôn Tây (xã Trà Sơn) có nhiều điểm sạt lở, đe dọa đời sống của nhiều hộ dân. Khu tái định cư Gò Nổi (tổ 2, thôn Tây) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2015 nhằm tái định cư cho các hộ dân vùng sạt lở ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Hiện khu định cư này có 89 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu. Do truyền thống của người đồng bào Cor không muốn rời nơi ở nên vẫn còn một số gia đình bám trụ ở khu vực sạt lở ở thôn 1 và thôn 3 dù chính quyền đã nhiều lần thuyết phục vận động.

Điểm trường thôn Tây thực hiện hình thức bán trú dân nuôi. Học sinh ở xa đem cơm theo đến lớp ăn trưa và ngủ lại để học buổi chiều. Những hôm nấu ăn tại trường, các cô giáo thường nấu thêm cơm và thức ăn để học sinh có được bữa ăn no, đầy đủ chất hơn.

Cô và trò cùng vượt khó

Trời lại đổ mưa dầm, rả rích. Trên đỉnh núi Ke, từ 3 giờ sáng, một tốp học sinh đã rủ nhau tập trung, soi đèn pin lần theo con đường tối như mực, dốc ngược, ngổn ngang đá cục, đá tảng để băng rừng xuống núi, đến trường đi học. Núi Ke có hơn 20 nóc nhà. Đây là nơi xa nhất và cao nhất của xã Trà Sơn, giáp giới với xã Trà Nham.

Núi Ke - nơi xa nhất của xã Trà Bùi.
Núi Ke - nơi xa nhất của xã Trà Bùi.

“Nhà quá xa trường, đường đi lại khó khăn nên từ rất sớm tụi nhỏ đã thức dậy để đi học. Mấy đứa mầm non với lớp 1, lớp 2 học ở điểm trường tại khu tái định cư Gò Nổi, thuộc tổ 2 thôn Tây thì 5 giờ đi bộ xuống núi, mưa gió là 4 giờ sáng đã đi. Thời tiết xấu thì người lớn luân phiên dẫn đường cho tụi nhỏ, bình thường mấy đứa tự đi. Những đứa lớp lớn hơn, học ở điểm trung tâm dưới xã Trà Sơn hay thị trấn thì 3 giờ sáng đã đi học rồi. Cứ rọi đèn pin mà đi thôi” - ông Hồ Văn Khương (54 tuổi, tổ 3, thôn Tây) cho biết.

Cô Hồ Thị Thanh Thủy (44 tuổi) bắt đầu dạy học ở điểm trường mầm non thôn Tây, xã Trà Sơn từ năm 2004. Thời điểm đó, khu vực thôn Tây chưa có đường đi. Mỗi lần đến trường phải đi bộ qua đoạn đường dài đầy sỏi đá, dốc đứng.

Đường lên thôn Tây ngổn ngang đá và nhiều đoạn dốc cao.
Đường lên thôn Tây ngổn ngang đá và nhiều đoạn dốc cao.

“Bây giờ vẫn còn khó đi nhưng đỡ hơn nhiều so với trước. Mình người lớn còn đỡ, chứ mấy đứa nhỏ, nhất là các em ở núi Ke thì tội lắm. Đường xa quá nên toàn chờ các anh chị tan học để về chung. Bởi vậy, thường điểm trường này cho các lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 tan học cùng nhau. Mùa mưa thì các cô đưa học sinh qua cầu tạm bắc ngang suối rồi mới về. Nghĩ tội, đường xa vậy mà đi học đều lắm, hiếm bữa nào nghỉ” - cô Thủy cho hay.

Đường về nhà của học sinh trên núi Ke phải băng qua cầu tạm bắc ngang suối. (Ảnh Thanh Thủy).
Đường về nhà của học sinh trên núi Ke phải băng qua cầu tạm bắc ngang suối. (Ảnh Thanh Thủy).

Với các cô giáo dạy học ở đây, việc bị ngã xe, trầy trụa tay chân... là chuyện thường ngày. Không tháng nào không tốn tiền sửa xe, ít thì vài trăm, nhiều thì cả triệu đồng. Đường xa, đi lại khó khăn, nên ngày nào các cô giáo cũng khởi hành từ lúc mờ sáng. Những hôm mưa gió, các cô phải đi bộ đến lớp.

Ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: “Học sinh miền núi nhiều thiệt thòi vì điều kiện còn thiếu thốn. Ở nơi xa như thôn Tây, học sinh phải băng rừng, đi bộ đến trường từ rất sớm. Giáo viên ở thôn Tây cũng như những người mẹ, tận tình chăm sóc, dạy dỗ các em”.

Theo ông Hồ Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, thôn Tây là một trong những khu vực đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nhất ở xã Trà Sơn. Người dân tộc Cor ở đây hầu hết làm lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh.

Người Cor ở thôn Tây gùi củi xuống trung tâm xã để bán.
Người Cor ở thôn Tây gùi củi xuống trung tâm xã để bán.

“Để tạo điều kiện cho người dân đi lại, những năm trước, chính quyền đã đầu tư 2km đường giao thông ở khu vực này theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một ít. Hiện còn hơn 1km đường chưa được bê tông, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2022 này” - ông Phong thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần