Quảng Ngãi phát triển mạnh nuôi cá lồng bè

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở hữu nhiều diện tích mặt nước sâu ở khu vực biển, cửa sông, hồ chứa nước, nghề nuôi cá lồng bè ở Quảng Ngãi đang trở thành hướng đi mở ra nhiều tiềm năng.

Từ năm 2020, 10 hộ dân xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) đã tận dụng mặt nước sông Bài Ca đoạn qua xã Tịnh Kỳ để nuôi cá lồng bè. Những loài thủy sản được bà con ở đây chọn nuôi như: cá bè vẩu, cá dìa, cá hồng... trong đó, hiệu quả nhất là cá bè vẩu.

Cá bè vẩu dễ nuôi, tăng trưởng mạnh.
Cá bè vẩu dễ nuôi, tăng trưởng mạnh.

Ông Võ Tùng (xã Tịnh Kỳ) đang nuôi cá bè vẩu với diện tích 150m2. Loại cá này dễ nuôi, sức tăng trưởng mạnh, chi phí thức ăn ít. Mật độ thả con giống 25 con/m3, sau 8 tháng thả nuôi bắt đầu thu hoạch, trọng lượng cá đạt 700-900gam. Với giá 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về khoảng 100 triệu đồng.

“Trước đây gia đình nuôi tôm trên cát nhưng do dịch bệnh nên hiệu quả không cao, giờ nuôi cá lồng bè ổn hơn mà không tốn nhiều công chăm sóc, cá lại ít dịch bệnh. Không chỉ vậy, việc sử dụng bè để nuôi cá trên sông còn khá thuận lợi, khi mưa lũ có thể neo lại để bè nổi theo con nước hoặc đưa cá vào thả tạm ở các ao, hồ”- ông Võ Tùng chia sẻ.

Để hỗ trợ người dân tìm hướng đi cho việc nuôi cá lồng bè, UBND xã Tịnh Kỳ còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Quảng Ngãi hỗ trợ các hộ nuôi cá về kỹ thuật cũng như chi phí lồng bè, cá giống, thức ăn, hóa chất…

Ông Trần Đình Tiến - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Quảng Ngãi cho hay: “Qua tổng kết mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Bài Ca đoạn qua xã Tịnh Kỳ, cho thấy đây là mô hình hiệu quả, sản lượng cá thương phẩm cao, ít dịch bệnh. Từ đây, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản cho bà con xã Tịnh Kỳ cũng như những xã ven biển của TP Quảng Ngãi. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thí điểm thêm các loài cá khác để đa dạng hóa vật nuôi cho bà con”.

Những năm qua, mô hình nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng bè trên biển ở Lý Sơn cũng thu hút nhiều hộ dân tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nuôi cá lồng bè ở Lý Sơn.
Nuôi cá lồng bè ở Lý Sơn.

Theo các hộ nuôi, cá bớp là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, nguồn thức ăn phong phú, tỷ lệ sống cao hơn so với các đối tượng nuôi khác.

“Toàn huyện hiện có khoảng 50 hộ dân tham gia nuôi cá bớp thương phẩm lồng bè trên biển với hơn 1.000 lồng. Chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ giống cá, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản cho người dân trên đảo”- Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Nhằm tận dụng lợi thế mặt nước dồi dào từ các hồ chứa nước và đầu tư bài bản có khoa học phù hợp với từng địa phương để tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, hướng tới phát triển bền vững mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa, từ tháng 7/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý thí điểm mô hình nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước.

Theo đó, có 3 hồ chứa nước được lựa chọn để nuôi cá thí điểm gồm: hồ chứa nước Nước Trong (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà), hồ chứa nước Đồng Giang (xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) và hồ chứa nước Hố Tạc (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa). Sau một đợt thả nuôi thành công, hiện các địa phương này đang thả nuôi đợt 2.

Thả giống thực hiện mô hình hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè bằng vật liệu mới ở hồ Nước Trong.
Thả giống thực hiện mô hình hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè bằng vật liệu mới ở hồ Nước Trong.

Mới đây nhất, trong các ngày 5 và ngày 8/5, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương tiến hành thả giống thực hiện mô hình hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè bằng vật liệu mới HDPE trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại hồ chứa nước Nước Trong và khu vực nuôi lồng bè trên sông Trà Khúc.

Ngoài 2 địa điểm trên, dự kiến Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại huyện Sơn Tây, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ, hướng đến mục tiêu phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo định hướng.

Quy hoạch phát triển thủy sản và không làm ảnh hưởng đến các mục đích sử dụng khác của sông, hồ như thủy điện, thủy lợi, du lịch, cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt… nhằm tận dụng tiềm năng của sông và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Nuôi thủy sản lồng bè đang là hướng đi nhiều tiềm năng ở Quảng Ngãi.
Nuôi thủy sản lồng bè đang là hướng đi nhiều tiềm năng ở Quảng Ngãi.

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, địa phương hiện có rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển, các hồ chứa nước, hồ thủy lợi mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Do đó, thời gian tới bên cạnh tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho bà con vay vốn để mở rộng sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, phương pháp phòng trị bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần