Ngày 18/7, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa thống nhất việc thí điểm nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước gồm: Nước Trong (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà), Đồng Giang (xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) và Hố Tạc (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa).
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 120 hồ chứa thủy lợi, được phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, trong đó có 25 hồ lớn, 36 hồ vừa và 63 hồ nhỏ; đa số hồ chứa có độ sâu mực nước hơn 10m và diện tích lưu vực lớn.
Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện và các hồ chứa tự nhiên được phát triển và thực hiện theo hình thức quảng canh, thả nuôi tự nhiên và một số hồ nuôi cá lồng.
Trung bình hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 940 ha diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800 ha nuôi ở các hồ chứa, với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm. Tổ nuôi thủy sản hồ Núi Ngang được xem là mô hình nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể cho các tổ viên.
Tuy nhiên, theo Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ngãi, thủy sản nuôi ở hồ chứa nước ngọt phần lớn có giá trị kinh tế thấp. Người dân nuôi cá nước ngọt tại các khu vực lòng hồ ở các địa phương đều có kinh tế khó khăn, khả năng đầu tư và trình độ chuyên môn chưa cao.
Việc nuôi thủy sản trên các hồ chứa vẫn đang ở hình thức nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư đồng bộ. Đa số hồ chứa nước hiện nay vẫn chưa được sử dụng để phát huy lợi thế, tận dụng hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chỉ mới cung ứng ở địa phương, giá trị kinh tế chưa cao…
Do đó, nếu tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa và việc đầu tư bài bản có khoa học phù hợp với từng địa phương thì mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa nước không chỉ tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội mà còn đảm bảo được sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa nước.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện: Sơn Hà, Tư Nghĩa có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ thực hiện đầy đủ quy định pháp luật hiện hành về thủy sản, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nuôi cá trong lòng hồ của các hồ chứa nước, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, chủ trì nghiên cứu tiếp cận các trung tâm nghiên cứu, các địa phương khác, doanh nghiệp đã có mô hình, thực tiễn thành công để tham mưu triển khai thực hiện theo hướng hiệu quả. Chú trọng việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cùng liên kết sản xuất nhằm phát triển bền vững giữa người nuôi trồng thủy sản, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, kết hợp giữa việc nuôi trồng thủy sản lòng hồ chứa nước với các hình thức hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái.