Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Thiếu giáo viên, trường mầm non xây xong bỏ không

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các điểm trường hiện có phải “gánh” sĩ số học sinh vượt quá quy định ở từng lớp, nhưng các điểm trường mới xây xong lại không thể đưa vào sử dụng vì thiếu giáo viên. Đây là nghịch lý đang diễn ra tại bậc mầm non ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

“Trường mới to đẹp, khang trang nhưng xây xong rồi mãi không thấy mở cửa đón các cháu. Lãng phí quá!”, ông Nguyễn Lựa - một người dân sống gần trường Mầm non An Vĩnh nói.
Điểm trường mầm non An Hải xây xong bỏ không ngập đầy rác.
Ngoài 8 phòng bỏ không ở điểm trường An Vĩnh, còn có điểm trường mầm non gồm 4 phòng học ở xã An Hải cũng trong tình trạng xây xong… để đó suốt nhiều tháng qua. Bên trong khuôn viên trường ngập đầy rác thải, túi ni lông, chai nhựa.
Được biết, 2 điểm trường trên được đầu tư xây dựng khá bài bản, trong đó điểm trường xã An Vĩnh có tổng mức đầu tư lên đến hơn 8 tỷ đồng; điểm trường mầm non thôn An Hải  khoảng 3 tỷ đồng.
Các điểm trường này được xây dựng với mục đích từng bước đáp ứng nhu cầu học của hàng trăm học sinh bậc học mầm non ở huyện đảo Lý Sơn, “giảm tải” sĩ số tại các điểm cũ, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên và các em có chỗ sinh hoạt, học tập thuận lợi hơn. Thế nhưng, từ ngày hoàn thành, bàn giao công trình đến nay, 2 điểm trường mầm non vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài” khiến người dân rất bức xúc.
Tình trạng trường xây xong bỏ không khiến người dân rất bức xúc.
Theo ông Phan Văn Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn, Lý Sơn có 3 trường mầm non công lập gồm: An Vĩnh (4 điểm lẻ), An Hải (2 điểm lẻ) và Lý Sơn với tổng số 60 giáo viên, đang tiếp nhận hơn 1.200 trẻ, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu gửi trẻ học bán trú của người dân trên địa bàn. Vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu gửi trẻ bán trú, trong khi đó, 2 điểm trường mầm non xây xong nhưng không đưa vào sử dụng vì không có giáo viên.
“Nếu sử dụng hết cơ sở vật chất hiện có thì Lý Sơn còn thiếu 26 giáo viên mầm non, trong đó có 7 giáo viên bổ sung cho cho các lớp bán trú hiện tại, 19 giáo viên cho các lớp ở các điểm vừa mới xây xong. Tuy nhiên, vì thiếu biên chế lại vướng quy định, không thể thực hiện hợp đồng lao động nên 2 điểm trường này vẫn chưa thể đi vào khai thác”, ông Thảo giãi bày.
Ông Thảo cũng cho biết thêm, tình trạng chung hiện nay của huyện là “thừa học sinh nhưng lại thiếu giáo viên”. Ở bậc mầm non, sĩ số các lớp học ở huyện đảo Lý Sơn là 40 học sinh/lớp, vượt quá quy định 5 em, trong khi đó, nếu như theo “chuẩn” đối với lớp bán trú bậc mầm non phải đạt bình quân 2,2 giáo viên/lớp thì hiện nay huyện chỉ có 2 giáo viên/lớp.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận, nhu cầu phòng học ở Lý Sơn là rất lớn, tuy nhiên nhưng đối với các phòng học thuộc điểm trường Mầm non An Hải và An Vĩnh là do vướng quy định nên tạm thời chưa thể hoạt động.
“Huyện đang đề nghị thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với 2 điểm trường này, tức là dùng tiền học phí phụ huynh đóng để chi trả cho giáo viên đứng lớp. Trước khi thực hiện đầu tư 2 điểm trường này, huyện cũng đã nhiều lần đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi phân bổ thêm biên chế nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Nếu như không có giáo viên, chắc chắc 2 điểm trường này sẽ tiếp tục đóng cửa”, ông Ninh chia sẻ.