Quảng Ngãi: Thiếu thuốc, cơ sở y tế loay hoay, người dân “lãnh đủ”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu thuốc điều trị vừa gây khó khăn cho hoạt động khám chữa bệnh, vừa khiến cho quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế không đảm bảo.

Thiếu thuốc mang tính “hệ thống”

Ông Lê Tiếng (xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị bệnh cao huyết áp, định kỳ phải đi khám và nhận thuốc. Tuy nhiên 3 tháng qua, mỗi lần đi khám ở trạm y tế xã, ông Tiếng lại được tư vấn lên tuyến trên để khám và nhận thuốc vì trạm không đủ thuốc để cấp. Có lúc, ông phải tự mua thuốc bên ngoài theo đơn.

Nhiều bệnh nhân được tư vấn lên tuyến trên điều trị hoặc phải mua thuốc bên ngoài. 
Nhiều bệnh nhân được tư vấn lên tuyến trên điều trị hoặc phải mua thuốc bên ngoài. 

"Mua ngoài thì tốn tiền, còn đi tuyến trên thì xa, không phải ai cũng đủ sức khỏe để đi. Mong trạm y tế xã lúc nào cũng đầy đủ thuốc hỗ trợ cho người dân” - ông Tiếng bày tỏ.

Cách đây hơn 2 tháng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Chống độc và Thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa không dám tiếp nhận điều trị một số bệnh nhân nặng vì... thiếu thuốc. Các bệnh nhân mắc những bệnh lý như: Khó thở do hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, bệnh đái tháo đường đều được chuyển lên tuyến trên.

Đến nay, dù thuốc phục vụ cho hồi sức, cấp cứu tại khoa đã cơ bản có nguồn cung, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng.  “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo và bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực. Một số bệnh nhân vẫn có thể điều trị được ở tuyến huyện nhưng vì thiếu thuốc nên phải chuyển lên tuyến trên” - bác sĩ Lê Quang Hận - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Chống độc và Thận nhân tạo cho biết.

Việc điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc.
Việc điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc.

Không chỉ thuốc tây y, thuốc điều trị cho đông y cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Các khoa y học cổ truyền ở tuyến huyện chỉ tiếp nhận những bệnh điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

“Thiếu thuốc thành phẩm và thuốc thang trong điều trị đông y nên hiện khoa đang điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp không dùng thuốc, bằng cách châm cứu, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, sử dụng xung điện, sóng ngắn… Các bệnh cần phải dùng thuốc thì chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị” - bác sĩ Nguyễn Đức Hùng - Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm) chia sẻ.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Hiện tại, hầu hết bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc vì... thiếu tiền. Thực tế, nguồn thu của các đơn vị này chủ yếu từ việc khám, chữa bệnh, trong khi đó 2 năm qua, ảnh hưởng bởi Covid-19 nên lượng bệnh nhân giảm nhiều, nguồn thu hụt đáng kể. Nhiều trung tâm y tế đang nợ tiền thuốc các công ty cung ứng nên rất khó để thương thảo mua tiếp.

Một số trung tâm y tế đang nợ tiền thuốc từ các công ty cung ứng.
Một số trung tâm y tế đang nợ tiền thuốc từ các công ty cung ứng.

Đơn cử, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa nợ tiền cung ứng thuốc 15,5 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm nợ gần 8 tỷ đồng. Trong khi đó, quy định của hợp đồng mua bán thuốc là trong vòng 90 ngày phải thanh toán dứt điểm. Nếu không thanh toán thì các đơn vị không cung ứng tiếp. Tình thế này buộc các trung tâm phải xoay sở lấy nguồn này đắp nguồn kia, gây xáo trộn và thiếu hụt nghiêm trọng.

"Năm 2021 bị đại dịch nên doanh thu ít, tiền thuốc của năm 2021 vẫn chưa trả hết, công ty thuốc không chịu bán. Một số thì phải năn nỉ khi có nguồn hỗ trợ sẽ trả thì họ bán, nhưng bán rất nhỏ giọt” - bác sĩ Nguyễn Văn Diệp - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm cho hay.

 

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo Sở Y tế tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ BHYT ở các cơ sở y tế để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong việc khám, chữa bệnh. Nếu số tiền hơn 121 tỷ đồng nợ BHYT được giải quyết sớm sẽ giảm bớt gánh nặng cho y tế cơ sở, đảm bảo kinh phí hoạt động mua sắm thuốc điều trị bệnh.

Một nguyên nhân khác chiếm phần lớn kinh phí hoạt động của các đơn vị y tế là nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế (BHYT). Thống kê của Sở Y tế cho thấy, số tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chưa thanh toán cho các bệnh viện, trung tâm y tế từ năm 2018 đến nay là hơn 121 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 là 35,9 tỷ đồng; năm 2019 là 52,8 tỷ đồng và năm 2020 là 32,7 tỷ đồng.

Năm 2022, Quảng Ngãi đã đấu thầu xong 3 gói thầu thuốc với kinh phí 500 tỷ đồng, nhưng y tế tuyến huyện không có kinh phí để mua vì gặp khó khăn khi tự chủ 100%, thu không bù chi và BHXH cũng chưa thanh toán kinh phí trong khám chữa bệnh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức chia sẻ: “Ngành y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với BHXH rà soát lại, giải trình các khoản chi mà BHXH chưa thanh toán. Bên cạnh đó, làm việc với nhà cung ứng để đảm bảo thuốc cho các bệnh viện và trạm y tế xã. Mặt khác, tính toán cân đối kinh phí để từng bước trả nợ cho các nhà cung ứng thuốc”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức.

Liên quan đến vấn đề trên, BHXH tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo gửi BHXH Việt Nam giải trình về nguồn chưa thanh toán do vướng các quy định. Trong đó nêu rõ, nguyên nhân cơ bản nhất chưa thanh toán cho các cơ sở y tế là do vướng quy định trong Nghị định 146 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết, thi hành một số điều Luật BHYT. Đến nay, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.

“Trong tháng 5/2022, BHXH Việt Nam đã cử đoàn công tác về tiếp tục rà soát lại những khoản chi phí, trên cơ sở dữ liệu mà các cơ sở khám, chữa bệnh đưa lên từ năm 2018 - 2020. BHXH tỉnh đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam giải quyết nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả” - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Quang Danh cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần