Chiều ngày 8/3, Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình Gặp gỡ Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề: “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”.
Theo đó, Quảng Ninh được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao khi Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí quán quân 06 năm liên tiếp (từ năm 2017 – 2022) và 10 năm liên tiếp (từ năm 2013-2022) trong nhóm 05 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước...
Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh... Đáng chú ý, trong những năm gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp FDI lớn liên tục mở rộng đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh (Tập đoàn Jinko, Tập đoàn Foxconn...), đây là minh chứng sống động về môi trường đầu tư thông thoáng đã thực sự thuyến phục được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có uy tín đầu tư vào Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam ông Julien Guerier cho biết Quảng Ninh mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của khu vực.
“Tôi đặc biệt vui mừng khi biết rằng các công ty từ EU cũng có mặt ở đây, chẳng hạn như vào năm 2023, công ty Škoda Auto của Séc đã đầu tư vào nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô. Mặc dù dự án này vẫn đang được phát triển nhưng tôi tin rằng một khi sẵn sàng, nó sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu đưa 30.000 ô tô ra thị trường Việt Nam vào năm 2030, và đây sẽ là bằng chứng về chất lượng cao của sản phẩm châu Âu đầu tư vào tỉnh. Liên minh Châu Âu và Việt Nam có mối quan hệ đối tác rất bền chặt và ngày càng phát triển được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và các giá trị chung lẫn nhau.
EU đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua hỗ trợ thương mại, đầu tư và kỹ thuật. Với Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đã được ký kết với Việt Nam vào ngày 14/12/2022, chúng tôi sẽ có cơ sở vững chắc để tiếp tục hỗ trợ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu khử cacbon trong ngành điện. Sáng kiến như vậy sẽ có liên quan đặc biệt đến tỉnh Quảng Ninh, nơi trong nhiều thập kỷ đã là trung tâm sản xuất than lớn nhất…”
Hiện tại, số lượng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản của các công ty Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh là 12. Nhận thấy tiềm năng lớn của tỉnh Quảng Ninh, ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết dự kiến số lượng đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Để tạo điều kiện phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng Quảng Ninh nói riêng và các địa phương khác nói chung cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có nguồn cung cấp điện, nước ổn định, thông tin liên lạc và thoát nước. Bên cạnh đó cần là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định với quan điểm phát triển: Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; Huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá;
Tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực. Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.