Sơn La: ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp
Kinhtedothi - Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp, thời gian qua sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường đã và đang trở thành động lực quan trọng và xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Để thực hiện mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân ở thị xã Mộc Châu đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Dũng Tiến ở xã Phiêng Luông, thị xã Mộc Châu có hơn 25 ha rau, củ, quả; trong đó có 10 ha đạt chuẩn VietGAP, 5 ha rau củ quả trồng trong nhà kính, nhà lưới, hiện đang chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Đây là một trong những đơn vị tiêu biểu ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. HTX luôn chú trọng tiêu chí an toàn, chất lượng, các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông sản được đảm bảo chất lượng từ đầu vào, được chăm bón theo đúng quy trình, kỹ thuật. Sản phẩm đầu ra được quản lý bằng mã vạch truy xuất nguồn gốc, các thông tin về sản phẩm, như nơi trồng, thời gian thu hoạch được cập nhật đầy đủ; rau, củ được bảo quản trong kho lạnh trước khi vận chuyển; năng suất, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, thị xã Mộc Châu đã phối hợp với các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng bền vững.
Ngoài ra, các đơn vị, HTX, hộ sản xuất còn ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước; sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, chăn nuôi tuần hoàn; công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi; công nghệ vi sinh...
Gia đình ông Đỗ Danh Nhất, tiểu khu 7 xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng có vườn thanh long gần 1 ha. Nhờ áp dụng hệ thống tưới ẩm tự động, mỗi năm gia đình ông thu hơn 30 tấn quả, giá bán bình quân từ 18.000-25.000 đồng/kg. Theo ông Nhất, từ ngày đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, van xoay, phun mưa, ông chỉ cần một vài thao tác mở van hoặc sử dụng điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu cũng có thể khởi động hệ thống tưới.
Từ năm 2019, một số thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã đầu tư hệ thống tưới tự động, áp dụng bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ số về môi trường, đất và kết nối qua app trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh việc chăm bón, giúp gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm quả thanh long khoảng 30% so với trước đây. HTX hiện có 2 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu, được đầu tư lắp camera kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giám sát toàn bộ quá trình sản xuất của các thành viên trên sổ điện tử.
HTX Phương Nam tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu là một trong những đơn vị tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhãn. Sau nhiều năm ứng dụng công nghệ cao, HTX đã sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, năng suất cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từ 80ha nhãn ban đầu, đến nay HTX Phương Nam đã phát triển lên hơn 300ha, trở thành vùng trồng nhãn chuyên canh của huyện Yên Châu.
Tương tự, tại huyện Sốp Cộp, những năm gần đây, các nông hộ, HTX trên địa bàn đã tăng cường ứng dụng khoa học vào việc trồng cam, từ kỹ thuật đến chăm sóc đúng quy trình nên năng suất, chất lượng sản phẩm cam được nâng cao, mẫu mã quả đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Như ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, vườn cam của gia đình chị Lường Thị Hương Nồng bình thường mọi năm thu hoạch được khoảng 2 tấn. Tuy nhiên, năm 2024, do thời tiết thuận lợi, gia đình cũng tập trung chăm bón nên năng suất cao hơn khoảng 3 tấn.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã hình thành 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 1 vùng chè, 1 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài tại huyện Mai Sơn và 3 vùng nhãn, xoài, mận tại huyện Yên Châu.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Sơn La: sản lượng cây ăn quả và cây sơn tra năm 2025 ước đạt trên 510.000 tấn
Kinhtedothi - Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả thu hoạch năm 2025 ước đạt trên 510.000 tấn, tăng 31% so với năm 2024.

Sơn La: xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh
Kinhtedothi – Tỉnh Sơn La xác định sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa tỉnh Sơn La vươn tới những mục tiêu cao hơn.

Mã số vùng trồng: "tấm vé thông hành" cho nông sản Sơn La
Kinhtedothi - Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chú trọng xây dựng mã số vùng trồng cho các loại nông sản và mã số cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra “tấm vé thông hành” quan trọng cho nông sản địa phương chinh phục thị trường toàn cầu.