Huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị: Nghi vấn sử dụng tùy tiện tiền, hàng cứu trợ lũ lụt tại xã Vĩnh Sơn

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua công tác giám sát của HĐND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), việc tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ năm 2020 đã phát hiện nhiều vấn đề bất minh.

Không ban tiếp nhận, “cào bằng” hỗ trợ
Đợt lũ lịch sử những tháng cuối năm 2020, Quảng Trị là một trong những địa phương nơi “khúc ruột” miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề. Trong những thời điểm đó, khi bốn bề bị nước lũ bao vây, hàng trăm nghìn suất quà từ các nhà hảo tâm, con em quê hương đã đồng lòng sẻ chia với bà con xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Thế nhưng, mới đây qua công tác giám sát của HĐND xã này, việc tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ đã phát hiện nhiều vấn đề bất minh. Cụ thể, ngay trước và trong cơn thiên tai, xã Vĩnh Sơn không thành lập Ban vận động quyên góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Không những thế, trong quá trình tiếp nhận, phân phối tiền và hàng cứu trợ, xã Vĩnh Sơn không hề phân công cụ thể trách nhiệm của từng người. Theo kết quả giám sát, đích thân ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn là người đứng ra vừa tiếp nhận vừa phân phối mà không hề thông qua bất kỳ cuộc họp nào.
Đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, xã Vĩnh Sơn đã tiếp nhận hàng trăm suất quà từ các nhà hảo tâm trong cả nước.
UBND xã không mở tài khoản của Ban cứu trợ, không mở đầy đủ chứng từ thu, chi để theo dõi và báo cáo quyết toán. Một số tiền ủng hộ được gửi qua tài khoản cá nhân của Chủ tịch UBND xã nên việc công khai, minh bạch không được ai kiểm soát. Điều đó đã xảy ra hoài nghi trong cán bộ, Nhân dân.
Tại sổ ghi biên bản của UBND xã không hề có cuộc họp hay phiên họp nào bàn về vấn đề tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ, mà chỉ đích thân ông Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch UBND xã tự chỉ định phân phối về cho các thôn. Trong khi đó, tại một số thôn chỉ họp rồi tự xét chọn với nhau mà không qua rà soát, bàn bạc thống nhất về đối tượng được hỗ trợ.
Điều đó, dẫn đến việc “cào bằng” các suất quà, khi đa phần các thôn đều nhận được hỗ trợ, kể cả có những hộ không bị ảnh hưởng cũng được đưa vào danh sách. Thậm chí, tại thôn Nam Sơn (nơi cư trú của ông Chủ tịch xã) đã sử dụng gần 30 triệu đồng tiền ủng hộ khắc phục lũ lụt để… chơi sang. Cụ thể, sử dụng 20 triệu 750 nghìn quyên góp ủng hộ khắc phục lũ lụt để Ban cán sự thôn mua loa, âm ly, micro, chân loa. Riêng ông Chủ tịch sử dụng 9 triệu đồng tiền ủng hộ qua tài khoản cá nhân của mình để mua tivi cho thôn, nhưng không hề có hóa đơn, hợp đồng mua bán.
Ngoài ra, UBND xã Vĩnh Sơn đã sử dụng hơn 51,5 triệu đồng tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt của các đơn vị, cá nhân sai mục đích. Trong đó, sử dụng tiền hỗ trợ để khen thưởng, phục vụ công tác phòng chống lũ lụt là 18,7 triệu đồng; chi trả tiền làm thêm ngoài giờ cán bộ bán chuyên trách là trên 15,6 triệu đồng. Bất minh hơn, xã này đã sử dụng trên 17,2 triệu đồng tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt để tiếp khách.
Chắc phải sao kê!
Lý giải về những vấn đề này, ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn nói: ''Lúc đó, các đoàn từ thiện về dồn dập và nhiều người gửi tiền hỗ trợ về nên tôi mới sử dụng tài khoản cá nhân để nhận. Trong lúc đó, không kịp thành lập ban tiếp nhận, phân phối. Tôi cam đoan là mình nhận bao nhiêu thì giao lại cho xã bấy nhiêu chứ không hề có chuyện thiếu minh bạch. Chắc tôi cũng phải sao kê các khoản nhận, chi để chứng minh”.
Đồng thời, ông Dũng biện minh rằng: Do cũng không nắm rõ Nghị định 64/2008 của Chính phủ nên thực hiện chưa đúng. Bên cạnh đó, do nhận nhiều suất quà quá nên lúc đầu thực hiện cứu trợ ở các thôn bị ảnh hưởng. Sau đó đã chia cho các hộ dân khác dù họ không ảnh hưởng mấy. Khi phóng viên đề cập đến việc sử dụng tiền cứu trợ để tiếp khách, mua loa, máy hơn 80 triệu đồng thì ông Dũng im lặng.
 Qua công tác giám sát đã phát hiện tại thôn Nam Sơn (xã Vĩnh Sơn) sử dụng gần 30 triệu đồng tiền ủng hộ lũ lụt của các mạnh thường quân để mua loa máy, tivi đặt tại nhà văn hóa thôn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Sơn thể hiện một số khoản chi khác từ việc sử dụng tiền cứu trợ không đúng mục đích và sai nguyên tắc. Đơn cử như: Mua máy nổ 10 triệu đồng, mua quà thăm đoàn Hà Nội 2 triệu đồng, tiền ăn phục vụ phát quà trên 1,6 triệu đồng, tiền tạm ứng đổ đá dăm 87 triệu đồng, thanh toán tiền lắp đặt hệ thống bảng điện tử tuyên truyền tại trụ sở xã 20 triệu đồng…
Qua giám sát, HĐND xã Vĩnh Sơn đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã làm rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc cấp phát tiền, hàng cứu trợ cho các thôn. Trong đó, có các nội dụng: Không mở tài khoản tập thể, không phối hợp với Ủy ban MTTQ xã để thành lập Ban vận động quyên góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ và ký duyệt chi sai mục đích tiền cứu trợ cho nhân dân. Đồng thời, thu hồi các khoản tiền chi sai quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh cho biết: Đến thời điểm này, xã chưa báo cáo cho huyện sự việc trên. Qua nhiều cuộc họp, Ủy ban MTTQ huyện đã nhắc rất nhiều lần việc tiếp nhận, chi cứu trợ cho đúng đối tượng tại các xã. “Nếu tiền cứu trợ chuyển vào tài khoản cá nhân của chủ tịch UBND xã là sai hoàn toàn. Việc tiếp nhận, chi trả như thế nào vào tài khoản cá nhân thì phải chuyển qua cơ quan điều tra mới làm rõ được”, ông Vũ Văn Phong nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần