Dịch bệnh lây lan nhanh
Chỉ trong vài ngày qua, hàng chục ha tôm của người dân tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Từ vài ao nuôi tôm ban đầu, đến thời điểm này toàn xã Vĩnh Sơn đã có hơn 1/2 diện tích nuôi tôm toàn xã với khoảng 80-90ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Trong khi đó, toàn xã Vĩnh Sơn có hơn 166ha nuôi tôm và đã xuống giống toàn bộ diện tích trên. Một số hộ đã xuống giống hơn 1 tháng có thể vớt vát được. Nhưng những hộ vừa mới xuống giống khoảng 20 ngày đến 1 tháng trở lại đây đành ngậm ngùi nhìn tôm chết dần..
Ông Trần Văn Tân (thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn) cùng những hộ nuôi tôm khác ngồi thẫn thờ nhìn về các ao tôm đã và đang nhiễm bệnh rồi chết dần.
Từ khoảng 1 tuần trước, tôm trong ao nuôi của gia đình ông bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh, nổi đầu, dạt bờ rồi bắt đầu chết. Dù đã sử dụng các loại thuốc để xử lý nhưng tôm cứ chết dần. Trong khi đó, những hộ nuôi tôm khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Do thả giống cách đây 1 tháng, thế nên tôm của gia đình ông cũng đủ lớn để xuất bán nhằm vớt vát được phần nào. Thương lái cũng vào tận hồ thu mua, tuy nhiên do tôm có nguy cơ chết nhiều, nhỏ nên giá cả cũng chỉ còn 30.000 đồng/ kg tại ao.
“Ao tôm của tôi đầu tư cả giống, thuốc, thức ăn giờ cũng khoảng 40 triệu rồi. Giờ cũng cố gắng vớt vát được chút nào hay chút đó. Chứ vụ tôm này coi như lỗ hơn 2/3 rồi”, ông Tân buồn rầu nói.
Tình trạng tôm chết nhanh chóng lây lan nhanh khắp khoảng 25ha ao nuôi của người dân ở thôn Phan Hiền. Theo những hộ dân nơi đây, trước khi thả giống đều thực hiện quy trình cải tạo hồ, xử lý nước, đặt mua con giống ở những công ty uy tín.
Từ khi thả giống, gần như ngày nào những hộ nuôi tôm đều túc trực ngoài ao vừa theo dõi vừa cho tôm ăn. Thế nhưng, tôm nhiễm bệnh lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nắng nóng kéo dài khiến tình trạng tôm chết nhanh hơn.
Một vấn đề khác khiến người dân bức xúc chính là nguồn nước cung cấp vào các ao nuôi tôm được lấy từ sông Sa Lung đã có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Qua kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT Quảng Trị) thì có 3/5 mẫu nước trên sông Sa Lung có những thông số vượt giới hạn B1 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08 - MT: 2015/BTNMT) nhiều lần.
Ông Tân cũng như những hộ nuôi tôm ở thôn Phan Hiền đều bất an khi cho rằng, thời điểm những hộ dân ở Phan Hiền lấy nước vào ao nuôi tôm thì nước sông Sa Lung đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm, nước có nơi màu đen, màu đỏ, xanh loang lổ. Khi đưa vào ao, bà con cũng xử lý các bước theo quy trình nhưng vẫn không ngờ được dịch bệnh bùng phát rồi lây lan nhanh như vậy.
Hóa chất dập dịch vẫn đang chờ đấu thầu
Trước tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đành bỏ mặc ao tôm của mình, hộ khác thì vẫn gắng gượng bỏ vài triệu đồng để tự mua hóa chất về tự xử lý. Những năm trước, khi dịch bệnh trên tôm xảy ra, người dân đều được hỗ trợ kịp thời hóa chất Chlorine để dập dịch.
Tuy nhiên, năm nay bà con vẫn trông chờ nhưng không được hỗ trợ. Những hộ nuôi tôm cũng chần chừ khi phải đầu tư thêm vài triệu đồng để mua hóa chất Chrorin để xử lý. Cũng vì lí do chưa được hỗ trợ hóa chất Chlorine nên tình trạng dịch bệnh trên tôm ở xã Vĩnh Sơn vẫn chưa có dấu hiệu giảm lại.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, tình trạng tôm bị nhiễm bệnh trên địa bàn xã tăng nhanh. “Xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Linh và các ngành chức năng sớm hỗ trợ hóa chất cho bà con nuôi tôm dập dịch nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho bà con. Tuy nhiên, vẫn chưa có hóa chất để dập dịch khiến bà con rất lo lắng”, ông Dũng cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú ý tỉnh Quảng Trị cho biết: Bệnh tật ở trên con tôm có thể do giống, có thể do môi trường, do nguồn nước, thời tiết… hoặc kỹ thuật nuôi dẫn đến tôm dễ bị chết.
Liên quan đến vấn đề hóa chất Chlorine để xử lý dập dịch bệnh trên tôm năm nay vẫn chưa được cấp về cho bà con vùng nuôi tôm đang bị nhiễm bệnh, ông Nguyễn Trung Hậu cho hay, phải thực hiện qua đấu thấu.
“Dù đơn vị đã tổ chức đấu thầu nhưng 2 đơn vị tham gia dự thầu lại không đảm bảo hồ sơ theo yêu cầu. Do đó, đơn vị phải hủy thầu và chuẩn bị cho đấu lại. Trong khi đó, trong kho hiện không có lưu trữ hóa chất này ”, ông Hậu cho biết thêm.
Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 6 xã của 2 huyện với tổng diện tích là gần 49,4ha. Tổng số hóa chất Chlorine đã cấp hỗ trợ là hơn 23.000kg.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp Quảng Trị, hiện nay, mới bước vào vụ nuôi tôm chính năm 2023 nhưng dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra. Với diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh.
Thế nhưng, với tình hình thời tiết thất thường kéo dài cũng như hóa chất dập dịch chưa được đấu thầu nhằm cung ứng kịp thời đã khiến dịch bệnh bùng phát nhanh trên vùng nuôi tôm nước lợ của xã Vĩnh Sơn. Không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng mà dịch bệnh đang có nguy cơ đe dọa đến những diện tích nuôi tôm còn lại. “Với tình hình như hiện nay thì khoảng 10-15 ngày nữa thì cơ bản vùng nuôi tôi xã Vĩnh Sơn bị “xóa sổ””, một cán bố thú y xã Vĩnh Sơn lo lắng.