Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quê nhà đã gần hơn...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày khánh thành đường cao tốc, ông Thành năng về quê hơn. Trước đây, dù quê nhà chỉ cách Hà Nội độ 200km, nhưng giao thông bất tiện nên việc thăm nơi chôn rau, cắt rốn của ông Thành thưa lắm…

Trước đây để về đến quê, bao giờ ông Thành cũng mất già nửa ngày trời. Này nhé, 7 giờ sáng lên xe buýt, vật vã cả tiếng đồng hồ mới ra được bến phía Nam.

Ngồi đợi chừng 30 phút xe mới lăn bánh; lại chừng đấy thời gian cánh lái xe rề rà đón khách, sau 8 giờ sáng mới chính thức lên đường. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ thì cũng về đến trung tâm huyện, nhưng từ đó lại phải đợi 2 chặng xe buýt (chừng tiếng đồng hồ) mới về đến quê. Ở tuổi 70 có lẻ mà non nửa ngày chờ đợi, chen lấn trên đường - liệu mấy người còn đủ dũng khí để một tháng đôi lần?

Nhiều người nói tuổi già mà năng về quê là thể hiện sự “lá rụng về cội”, điều này chẳng sai; nhưng với ông Thành, về quê còn để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với tổ tiên, dòng họ.

Sinh ra trong gia đình 6 anh chị em, ông Thành được bố mẹ ưu tiên cho ăn học đến nơi đến chốn, nên so với mấy đứa em, ông là người thành đạt nhất… Ngày còn đương nhiệm, một phần vì bận công việc, phần nữa những năm bao cấp khi lại khó khăn, nên ông ít có dịp về quê.

Mỗi năm đến ngày giỗ cha mẹ, ông bà mà anh em ở quê rồng rắn kéo nhau ra Hà Nội là một việc hết sức bất tiện. Từ đấy việc hương khói cho tổ tiên đều được người em trai thay mặt ông Thành lãnh trách nhiệm. Việc làm “trưởng giả” của người em duy trì khá ổn. Khổ nỗi ông này lại không có con trai, mà mấy năm nay ông em lại đau ốm triền miên…

Thương em vất vả nên cứ cách ngày giỗ dăm hôm, vợ chồng ông Thành đã lên kế hoạch chi tiết cho chuyến hồi hương. Nhưng sau mỗi chuyến đi, khi quay lại Thủ đô, gần như cả 2 vợ chồng ông Thành đều lăn ra ốm; dần dà chỉ còn mỗi ông lão lóc cóc về quê mỗi khi có việc.

Gần đây cậu con trai ông Thành sắm được ô tô, nên việc đi lại đã dễ chịu gấp nhiều lần khi sử dụng phương tiện công cộng. Dẫu đã có phương tiện riêng, nhưng đường sá chật chội, nên mỗi lần về quê cũng chẳng nhanh hơn xe khách được bao nhiêu…

Rồi cao tốc Bắc Nam được thi công và con đường thênh thang đã hoàn thành đến tận miền Trung. Khoảng cách từ Hà Nội về quê ông Thành tuy không rút ngắn được bao nhiêu, nhưng giao thông vô cùng thông thoáng. Chủ nhật vừa rồi đúng vào ngày giỗ cụ nội, anh con trai sử dụng chiếc xe 7 chỗ mới tậu, đưa cả gia đình về thăm quê, thế là lần đầu ông Thành được trải nghiệm con đường hoành tráng, nối Thủ đô với cố hương.

Khi xe qua địa phận Tam Điệp, không chỉ ông Thành mà bà vợ cùng cô con dâu và mấy đứa cháu đều ồ lên khi lần đầu họ “chạm vào” bức tranh quê… Con đường như một dải lụa mềm, uốn quanh những đồi dứa trải dài ngút mắt. Xa xa là lừng lững núi, thoai thoải đồi, và tiếp đó là những dòng sông, những cây cầu, những hồ nước trong xanh in bóng mây trời trong tiết thu trong vắt…

Sau gần 3 giờ đồng hồ, cả gia đình đã có mặt tại quê. Lần đầu được ngao du quê hương trên đường cao tốc, đã đem lại cảm giác lâng lâng cho người xa xứ lâu năm như ông Thành là một nhẽ, ngay mấy đứa cháu đang học trung học phổ thông cũng phải thừa nhận cảnh sắc xứ sở của ông bà chúng thật là ấn tượng.

“Thế mà lâu nay ông bà, bố mẹ chẳng cho chúng con về quê theo đường này”, đứa cháu gái ông Thành hồn nhiên trách yêu!

Được buông sách vở, thoát khỏi ngôi nhà “hộp diêm”, được vi vu trên con đường như nhung lụa, lại chén những món ăn đậm đà hương vị quê nhà, được sống trong tình cảm họ mạc, bọn nhỏ như chim sổ lồng.

Hai ngày cuối tuần trôi qua nhanh lắm, sau chưa đầy 3 giờ, sẩm tối ngày Chủ nhật - cả gia đình đã quay về cái… chuồng chim ở Hà Nội. Sau chuyến về quê ấy, không những bọn trẻ, ngay cả đứa con dâu (vốn gốc Hà Nội), cũng đâm “nghiện” về quê.

Hễ có dịp, cả gia đình ông Thành lại cùng nhau “đi tua quê nội” như cách gọi của mấy đứa cháu. Ông Thành như trẻ ra bởi lão lại được về mái nhà xưa, được khề khà chén rượu với anh em đồng tông thúc bá, còn bà vợ lại có dịp “tạt về nhà đẻ”. Cô con dâu và mấy đứa cháu nội được lên rừng - xuống biển…

Lúc vui miệng, thi thoảng ông Thành cũng thốt lên câu “hoan hô đường cao tốc”!