Trong bài viết đăng trên trang mạng xã hội hôm 27/12, Thủ tướng Slovakia Robert Fico khẳng định, nước này sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine.
Sau đó, trong bài phát biểu qua video gửi tới người dân, Thủ tướng Fico nhấn mạnh rằng, trong các chuyến công du nước ngoài và các bài phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, ông đã nói về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Slovakia, ông sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1/2025 và cuộc gặp với Giáo hoàng tại Vatican sau đó 1 tháng.
"Bên cạnh nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Ukraine, tôi cũng đề nghị Slovakia là một quốc gia phù hợp để tổ chức các cuộc đàm phán ở bất kỳ cấp độ nào," Thủ tướng Fico cho hay.
Ý tưởng chọn Slovakia làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã được đưa ra trong cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Slovakia Robert Fico vào đầu tuần này.
Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Slovakia đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Slovakia là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai về giải quyết xung đột Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị tại St. Petersburg vào ngày 26/12, người đứng đầu Điện Kremlin xác nhận Slovakia sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine.
Slovakia luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, khác với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác khi phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo Tổng thống Putin, lập trường này của Slovakia cho thấy họ là một bên trung lập tiềm năng
Những suy đoán về khả năng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tăng lên sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 vừa qua. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, miễn là tính đến "tình hình thực địa" về lãnh thổ.
Về phần mình, Kiev đã bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về một giải pháp hòa bình đòi hỏi phải công nhận rằng các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporozhye, Kherson và Crimea là một phần của Nga. Ukraine vẫn theo đuổi kế hoạch gia nhập NATO, điều mà Nga đã lên án là không thể chấp nhận được.