Tại phiên làm việc, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Cụ thể, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung 1 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng...
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: khái niệm về vốn điều lệ; doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng; chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí; phân phối lợi nhuận và các quỹ, trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…
Điều hành phần thảo luận về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: các quy định liên quan đến vay, cho vay đặc biệt; ý kiến về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng; các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm...
Sau phần thảo luận của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng và sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp. Tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay. Vậy nên hoạt động các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.
Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo Luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.