Quốc lộ 5 liên tục hư hỏng, xuống cấp: 20 năm chưa một lần đại tu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có công điện khẩn, yêu cầu Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu của dự án sửa chữa mặt đường Quốc lộ 5 (QL5), nếu không sẽ bị dừng thu phí.

 Hơn 20 năm qua QL5 chưa một lần được đại tu. Ảnh: Nguyễn Lâm

Điệp khúc “không sửa thì dừng thu phí”
Trong công điện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, Vidifi cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến ATGT. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu thi công trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn. Quá trình xử lý khắc phục mặt đường cần đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án sửa chữa lớn để nghiên cứu phương án khắc phục phù hợp, tránh lãng phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ I nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì của Vidifi, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công tác sửa chữa, bảo đảm ATGT. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, trường hợp Vidifi không thực hiện hoặc thực hiện không bảo đảm yêu cầu gây mất ATGT, Cục Quản lý đường bộ I phải kịp thời báo cáo Tổng cục để xử lý theo quy định, trong đó có cả việc phải dừng thu phí để khắc phục bảo đảm ATGT.
Trước đó cũng đã có 2 "tối hậu thư" được phát đi nhưng kết quả vẫn giậm chân tại chỗ. Cụ thể, vào tháng 8/2019, khi dư luận đang nóng liên quan đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tuyến QL5 (đoạn qua tỉnh Hải Dương), đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Vidifi khẩn trương sửa chữa những đoạn hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông. Nếu DN chậm thực hiện, sẽ dừng thu phí.
Trước đó 3 năm, vào tháng 8/2016, sau phản ánh của báo chí về tình trạng hư hỏng QL5, đoạn do Vidifi quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp vào cuộc kiểm tra và có văn bản báo cáo Bộ GTVT về tình hình bảo trì QL5 do Vidifi quản lý. Văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, Vidifi sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/8/2016. Trường hợp Vidifi không sửa chữa hoặc chậm trễ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để dừng thu phí theo quy định.
3 lần ra “tối hậu thư” vẫn giậm chân tại chỗ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề nêu trên, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, về phương diện quản lý Nhà nước, Bộ GTVT là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính khi để cho tình trạng QL5 liên tục hư hỏng, xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời, triệt để. “Trong nhiều năm qua, Bộ GTVT đã nhiều lần khẳng định sẽ phải sửa chữa triệt để hư hỏng đường QL5 để bảo đảm ATGT trên tuyến nhưng đường vẫn liên tục hỏng. Điều này rất khó chấp nhận” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, một trong những chi tiết liên quan đến chất lượng công trình QL5 khiến dư luận bức xúc, trong thời gian qua, chính là vai trò của Bộ GTVT đã không được thể hiện. Từ năm 2016 đến nay, không dưới 3 lần QL5 bị hư hỏng và cũng từng ấy lần những “tối hậu thư” với nội dung “sẽ dừng thu phí nếu không sửa đường kịp thời” đều vô tác dụng. “Chỉ mỗi vấn đề hư hỏng QL5 mà bao nhiêu năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, thì khó tránh việc dư luận đặt câu hỏi về vai trò, năng lực của Bộ GTVT. Liệu có việc buông lỏng quản lý hay bao che cho sai phạm hay không?” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Còn nhớ, vào tháng 8/2019, khi câu chuyện QL5 hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đang rất nóng, lãnh đạo Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) lúc bấy giờ đã thẳng thắn thừa nhận, việc bảo dưỡng đường trên QL5 vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng chủ yếu chỉ vá ổ gà phát sinh trên mặt đường và vệ sinh, khơi thông cống rãnh, sơn những vị trí mờ… Theo quy định, QL5 sau khi được nâng cấp và đưa vào khai thác, phải theo định mức 5 - 10 năm đại tu một lần. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm qua, tuyến quốc lộ này vẫn chưa một lần được đại tu trong khi lưu lượng phương tiện ngày càng đông, với rất nhiều xe tải trọng lớn dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn.
Được biết, Dự án sửa chữa lớn mặt đường QL5 dài 30km (từ Km46 - Km76) vừa được thông qua với tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng được lấy từ các nguồn thu trong phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án dự kiến sẽ triển khai trong năm 2020 và Vidifi là đơn vị được chọn làm chủ đầu tư. Dù dự án chưa được triển khai nhưng trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Vidifi đã lên tiếng khẳng định, theo tính toán của đơn vị này, số tiền duy tu, bảo trì QL5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm khoảng 10.526 tỷ đồng và Vidifi phải tính toán, cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa những vị trí, công việc thực sự cần thiết. Điều này đồng nghĩa, gần 840 tỷ đồng được duyệt chi vẫn là chưa đủ để thực hiện một cuộc đại tu toàn diện đối với QL5.
Được biết, do không có đủ vốn để tham gia ngay từ đầu phần vốn của Nhà nước đầu tư vào dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Vidifi thu phí tại hai trạm QL5 tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, trước khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ và thành lập Quỹ bảo trì đường bộ (năm 2012). Sau đó, do Quỹ bảo trì đường bộ hạn chế, không đủ kinh phí để sửa chữa QL5, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho Vidifi quản lý, bảo trì, sửa chữa QL5 từ năm 2016.