Mặc dù thời gian gần đây UBND huyện Quốc Oai và 7 xã, thị trấn tồn tại 11 lò gạch thủ công vẫn đang ngày đêm nhả khói gây ô nhiễm môi trường đã đưa ra hàng loạt biện pháp để yêu cầu các chủ lò phải dừng hoạt động sản xuất gạch, như: Thanh lý hợp đồng cho thuê đất, ngăn chặn không để chủ lò chở đất vào khu lò gạch, thậm chí có thời gian còn áp dụng ngừng cấp điện, rồi đến việc tăng cường tuyên truyền, vận động…
Tuy nhiên, thời gian qua các chủ lò vẫn một mực đòi được sử dụng nốt số nguyên vật liệu đang có để sản xuất rồi đốt nốt gạch nhằm tránh gây lãng phí. Một số chủ lò đề xuất là vậy, nhưng thực tế hàng ngày các chủ lò vẫn thường xuyên chở đất cũng như nguyên vật liệu khác về để sản xuất gạch và rồi lại vào lò bình thường. Việc thiếu quyết liệt của UBND huyện Quốc Oai trong xử lý vi phạm đã khiến các chủ lò có cơ hội tái vi phạm suốt thời qua.
Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, như: Phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị, phòng TN&MT, Công an huyện…cùng 7 xã, thị trấn đã tổ chức hàng chục buổi kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trường từng khu lò gạch và làm việc với các chủ lò. Tuy nhiên, tất cả các buổi làm việc đều không đạt kết quả, do đó mới dẫn đến việc chủ lò vẫn ngang nhiên đốt gạch, “nhả khói” khiến người dân địa phương bức xúc.
Có mặt tại xứ đồng Tháng Mười, xã Hòa Thạch những ngày cuối tháng 12/2021, nơi có 4 lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động trên khu đất rộng hơn 5ha, chúng tôi nhận thấy, liền kề còn có 3 lò gạch thủ công khác của xã Phú Cát vẫn “đỏ lửa” nhả khói. Toàn bộ khu vực ở đây giống như đại công trường ngổn ngang đất và gạch. Những chiếc xe ô tô vẫn đang ùn ùn chở đất về đại bản doanh lò gạch. Người lao động của các lò gạch cùng những chiếc xe ba bánh tự chế vẫn miệt mài sản xuất, vận chuyển gạch ra vào lò. Điều này cho thấy không có dấu hiệu của việc dừng đốt gạch(?).
Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Hòa Thạch (xã Hòa Thạch) cho rằng, từ năm 2018 đến nay, mặc dù UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn cùng UBND các xã, thị trấn áp dụng các biện pháp giải quyết vi phạm. Tuy nhiên do thiếu quyết liệt, thậm chí còn có dấu hiệu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, lập biên bản, hồ sơ chỉ mang tính chất đối phó với người dân và cơ quan báo chí cho xong chuyện rồi bỏ đó. Chính việc làm này của các đơn vị chức năng huyện Quốc Oai khiến những ngày cuối năm 2021 các chủ lò vẫn ra sức đốt gạch gây ô nhiễm môi trường.
Lý giải về nội dung việc các chủ lò vẫn ngang nhiên đốt gạch, Thượng tá Khuất Hồng Sơn - Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai cho rằng, sau khi UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị vào cuộc triển khai các bước từ tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng một số biện pháp mạnh nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Chính vì vậy, cuối tháng 12/2021, tổ công tác tiếp tục đi khảo sát thực tế một lần nữa để xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tháo dỡ, cưỡng chế toàn bộ số lò gạch theo quy định.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, UBND huyện giao nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn phối hợp cùng cơ quan chuyên môn hoàn thiện chặt chẽ hồ sơ các lò gạch vi phạm. Qua đó làm cơ sơ để Phòng Tư pháp kiểm tra, thẩm định tính pháp lý từng hồ sơ công trình lò gạch vi phạm nhằm tránh việc sau khi tháo dỡ xong các chủ lò có đơn thư khiếu kiện. Cùng với đó, UBND huyện giao cho Phòng Quản lý đô thị khảo sát, thẩm định phương án tháo dỡ lò gạch các xã, thị trấn đã xây dựng để đảm bảo an toàn khi tiến hành xử lý công trình vi phạm trong thời gian tới.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin nội dung