Đánh giá cao những nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, bài phân tích trên trang liberationnews.org hôm 6/4 nêu rõ: “Phản ứng của nước này với dịch bệnh đã nhận được sự công nhận quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhờ mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp.
Hành động sớm và quyết liệt
Dù ngân sách hạn chế và hệ thống y tế chưa hiện đại so với nhiều nước trong khu vực, nhưng vẫn đạt được những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giới phân tích thống nhất rằng, tất cả là nhờ Việt Nam có quyết tâm cao cùng một chiến lược phòng chống dịch chi phí thấp nhưng hiệu quả.
Giới chức y tế Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cách ly kiểm dịch 21 ngày tại một vùng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngay từ giữa tháng 2. |
Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức vừa có bài phân tích đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, trong đó nhận định "chìa khóa nằm ở hành động sớm và kiên quyết của chính phủ, các cơ quan chức năng và cả nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch".
Theo phân tích của ông Peter Girke - Trưởng Văn phòng đại diện Viện KAS tại Việt Nam, việc ghi nhận ca mắc virus SARS-CoV-2 đầu tiên ngay từ cuối tháng 1/2020 ở Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi vị trí địa lý và mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc. Thậm chí những nước châu Âu, trong đó có Đức, cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên từ tháng 1.
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng số ca lây nhiễm mới tại Việt Nam hiện tương đối thấp kể từ thời điểm ghi nhận trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Ông Peter Girke dẫn chứng số liệu cụ thể: Cả Việt Nam và Đức đều ghi nhận 16 nhiễm bệnh Covid-19 trong ngày 17/2, sau đó 4 tuần Việt Nam tăng lên 61 trong khi ở Đức là 7.272 ca. Đến 2 tuần sau nữa (ngày 30/3), số ca nhiễm mới Covid-19 ở Việt Nam là 194, còn tại Đức đã tăng lên tới 66.885 ca.
Theo ông Girke, có nhiều lý do để Việt Nam có thể duy trì được tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV ở mức thấp như hiện tại và WHO đã đánh giá cao những nỗ lực "chủ động và kiên quyết" này của Việt Nam.
Yếu tố then chốt đầu tiên nằm ở quyết định hành động sớm và kiên quyết của Chính phủ Việt Nam. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được thành lập để giám sát và phối hợp biện pháp ở các cấp đã có những hành động ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát. Người dân Việt Nam bắt đầu cảm nhận rõ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 2, khi số người nhiễm là 16 trường hợp.
Theo đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW), ngay từ cuối tháng 1, khi dịch bệnh Covid-19 còn chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc, đặc biệt là tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, chính phủ Việt Nam đã "tuyên chiến" với dịch bệnh.
Phóng viên thường trú của tạp chí Anh Financial Times tại Hà Nội viết: "Khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về virus corona của Chính phủ". Nhận định dịch sẽ sớm lan đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cho chính phủ và toàn dân nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Ngay từ ngày 1/2, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, bao gồm việc đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đóng cửa các trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hai tuần sau đó, giới chức y tế cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp cách ly kiểm dịch 21 ngày tại một vùng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực có nhiều người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc.
Tiếp đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng cho triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn như cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi người nhập cảnh; hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài; cách ly những người nhiễm virus và truy vết, theo dõi y tế với bất kỳ người nào từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Trang tin liberationnews.org của Đảng Chủ nghĩa xã hội và Giải phóng (Party for Socialism and Liberation - PSL) của Mỹ cho biết, trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Theo trang tin này, Việt Nam, quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc và cách Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch gần 2.000km, đã vượt qua đại dịch Covid-19 với những kết quả bất ngờ. Số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, tính tới ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận 245 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, với 95 ca hồi phục và chưa có ca tử vong nào.
Bài phân tích trên trang Liberationnews.org đăng ngày 6/4 chỉ ra, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp chống đại dịch Covid-19 bằng cách triển khai các quy định cách ly xã hội trên toàn quốc, như cấm tụ tập bên ngoài hơn 2 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và đóng cửa tạm thời các doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó có các nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm du lịch. Các siêu thị và các dịch vụ thiết yếu khác vẫn mở, nhưng được hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe khách hàng bằng cách kiểm tra nhiệt độ và cung cấp chất khử trùng tay.
Ngoài ra, trang tin này cũng cho biết, chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo tránh đổ xô tích trữ và có hành động mạnh với các doanh nghiệp tăng giá. Để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD bao gồm tất cả các chi phí cho người lao động trong thời gian cách ly hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh.
Bài viết cho hay: "Bởi hệ thống y tế của Việt Nam tập trung vào sự an toàn và sức khỏe của người dân - chứ không phải lợi nhuận của các công ty bảo hiểm - Việt Nam đã chứng kiến sự thành công ấn tượng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Điển hình như, năm 2003, WHO tuyên bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch SARS".
Khi chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi "mọi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài phòng chống dịch bệnh". Lời kêu gọi này đã khơi dậy ý thức hợp tác ở người dân Việt Nam, vốn đã quen với việc đoàn kết trong thời gian khó khăn" - liberationnews.org thông tin thêm.
Cũng theo liberationnews.org, thành công của Việt Nam trong đối phó đại dịch COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại "không chỉ đơn giản là một phép màu". Đó là kết quả của nhiều yếu tố cấu thành trong đó có một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên hết. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có hiện nay, cần có sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó, "chúng ta nên học hỏi từ những thành công của người dân Việt Nam".
Ngăn chặn dịch Covid-19 trên mọi mặt trận
Trang Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.
Dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, Asia Times nhấn mạnh, lãnh đạo Việt Nam “đã chủ động trong hành động”, với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập ra một ban chuyên trách theo dõi tình hình các cấp gồm quốc gia, tỉnh và địa phương; Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Hãng tin Bloomberg thì đặc biệt lưu ý đến biện pháp mở rộng diện tích cách ly để dành cho những người Việt trở về nước từ các quốc gia khác. Theo đó, Quân đội Việt Nam đã dành các cơ sở có sức chứa 60.000 người để phục vụ biện pháp cách ly, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Còn một bài viết trên tạp chí Financial Times (Anh) thì cho hay, cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam rất “ấn tượng”. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 phụ thuộc một phần vào việc huy động lực lượng quân đội, y tế, giám sát và mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia. Truyền thông Việt Nam liên tục phát đi thông điệp, các nhà chức trách minh bạch về dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn về các thông tin liên quan tới dịch Covid-19 và các hướng dẫn giữ gìn sức khỏe.
Financial Times cũng đề cập tới một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam cho thấy, phần lớn những người được hỏi đều có “nhận thức cao” về các triệu chứng của Covid-19.
“Nỗ lực của Chính phủ để chiến đấu với Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của người dân, thể hiện qua các bài viết trên mạng xã hội nhằm cổ vũ các nhân viên y tế, hay chia sẻ thông điệp tuyên truyền: Ở nhà là yêu nước”, bài viết phản ánh.
Tờ Financial Times cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả là nhờ mạng lưới thông tin tuyên truyền. Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Các quan chức minh bạch về diễn biến dịch trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn mạnh tay xử lý vấn nạn tin giả. Công an đã triệu tập và xử phạt hơn 800 người chia sẻ các thông tin bịa đặt hoặc sai sự thật về dịch Covid-19.
Theo trang tin điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva, mạng lưới giám sát và cung cấp thông tin trong cộng đồng của Việt Nam cũng rất hiệu quả. Người dân sẽ ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng biết khi họ phát hiện hàng xóm hoặc những người đến khu dân cư có bất kỳ hành động sai trái hoặc gây rủi ro phát tán mầm bệnh.
Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha dẫn lời ông Park Kidong, một quan chức thuộc WHO tại Hà Nội nhấn mạnh, việc kích hoạt sớm hệ thống ứng phó, tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng việc thực hiện giãn cách xã hội đã mang lại thành công cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.