Trong bài phát biểu từ chức hôm 7/7, ông Johnson khẳng định bản thân cảm thấy tự hào vì những gì đã làm được trong thời gian tại nhiệm, thể hiện tâm lý có phần thoải mái. Ngay lập tức đã có những phản ứng trái chiều từ quốc tế trước việc ông Johnson thông báo rời "ghế nóng" Thủ tướng Anh.
Ukraine và Nga là những bên bình luận đầu tiên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm để cảm ơn Thủ tướng Anh vì sự ủng hộ đối với Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát, đồng thời lấy làm tiếc trước quyết định từ chức của ông Johnson.
Thủ tướng Johnson là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Ông Johnson cũng là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Kiev vào tháng 4.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/7 thừa nhận thực tế rằng ông Boris Johnson không thích Nga và Nga cũng không mấy quan tâm đến nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, Moscow cũng nói rằng họ không quá mong đợi bất kỳ thay đổi nào trong đường lối của Anh đối với Nga sau khi Thủ tướng Johnson từ chức.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels từ chối bình luận về việc ông Johnson rời Phố Downing, nhưng nhấn mạnh rằng "theo quan điểm của chúng tôi, các diễn biến chính trị không thay đổi quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Bắc Ireland và cách thức giải quyết vấn đề với các đối tác Anh".
Mối quan hệ giữa EU và thành viên cũ là Anh đang ở mức thấp khi Thủ tướng Johnson và chính phủ do ông lãnh đạo tìm cách đơn phương bỏ qua các phần của hiệp ước Brexit áp dụng cho Bắc Ireland - được gọi là Nghị định thư Bắc Ireland.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối bình luận về quyết định từ chức của ông Johnson và tuyên bố: "Anh và Mỹ là những người bạn và đồng minh thân cận nhất, và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước vẫn bền chặt và lâu dài".