Quy định giảng viên đại học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm: Phi lý nhưng vẫn ép thực hiện

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn 9 tháng nữa chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là không cần đối với giảng viên đại học theo Luật Giáo dục vừa ban hành. Nhưng các trường đại học vẫn ép giảng viên đi học và lớp vẫn tiếp tục mở khắp nơi.

Điều 77 của Luật Giáo dục ban hành năm 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giảng viên đại học là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sỹ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sỹ; có bằng tiến sỹ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sỹ.
 Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trường ĐH Thủ Dầu Một.
Tuy nhiên, Luật Giáo dục ban hành năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, quy định đó đã được thay đổi. Điều 72 của Luật quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giảng viên đại học là: Có bằng thạc sỹ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sỹ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ. Như vậy điều kiện phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên đại học đã được bãi bỏ từ 1/7/2020.
Có động cơ nên cố ép
Đang bị ghi danh dự lớp đào tạo chứng chỉ sư phạm dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10 và kết thúc giữa tháng 12, một phó giáo sư đang giảng dạy ở một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh bức xúc nói: “Đọc Luật Giáo dục vừa ban hành tưởng là thoát nhưng vẫn bị ép”.
Hỏi tại sao bị ép vị phó giáo sư này nói tiếp: “Này nhé, học xong chương trình và khoảng đầu năm được nhận cái chứng chỉ đó mà giữa năm nó hết giá trị thì không ép là gì”.
Những năm gần đây đáp ứng điều kiện phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm áp lực rất nặng nề lên các trường đại học làm hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục, mở ngành. Dường như 100% các trường tư, trường địa phương không thể đáp ứng do giảng viên được tuyển tứ xứ theo kiểu vơ bèo vạt tép.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu đáp ứng mở ngành thạc sỹ, tiến sỹ là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ nhưng đây là những người phản ứng gay gắt việc Bộ GD&ĐT quy định điều kiện có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Không ít người khất lần vì không muốn mất thời gian với cái chứng chỉ vô vị đó.
Họ phản ứng vì sự cứng nhắc đến mức phi lý của Bộ GD&ĐT. Tất cả giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đã có thâm niên giảng dạy đại học hai ba mươi năm đều phải học những thứ họ đã có đến mức uyên thâm.
Thầy đi nghe trò dạy những cái trò học từ thầy nhưng trò chưa thể bằng thầy. Đương nhiên việc phủ sóng bắt buộc đối tượng học sẽ mang lại nguồn thu học phí rất lớn cho các cơ sở chạy được suất “ được phép đào tạo. Vì động cơ tăng thu nhập ngoài, nhiều cơ sở giáo dục không thể đáp ứng điều kiện vẫn “chạy” được suất đó.
Tuy nhiên, điều đáng nói là có những cơ sở giáo dục không đào tạo sư phạm mà tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm, không là giảng viên lại đi dạy giảng viên. Đại học Thủ Dầu Một (ĐHTDM) là một ví dụ. Trường này nhảy lên đại học từ năm 2009 từ trường cao đẳng sư phạm cùng tên.
Tuy nhiên, tại đây không còn đào tạo đại học ngành sư phạm mà đào tạo đến 42 ngành khác nhau theo nhu cầu đang lên trên thị trường. Thiếu giảng viên cơ hữu ngành sư phạm nhưng trường cứ đánh liều tự biên tự diễn tổ chức nhiều lớp học liên tục.
Theo một giảng viên cơ hữu của ĐHTDM đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm do trường tổ chức và ép học cho biết, các thầy tham gia giảng dạy đều người trong trường, có một cán bộ quản lý phòng ban nhưng dạy đến hai học phần. Qua bảng điểm cá nhân vị giảng viên này cung cấp cũng cho biết chương trình bồi dưỡng có 6 học phần, gồm 10 tín chỉ.
Nếu căn vào quy định 8 học phần bắt buộc, gồm 15 tín chỉ và 5 tín chỉ tự chọn theo Quyết định số 5562/QĐ-BGDĐT, thì chương trình đào tạo của ĐHTDM đã tự cắt đi 50% số tín chỉ. Nếu căn vào điểm 1, điều 4 của Thông tư số 27/2012/TT-BGDĐT là cơ sở đào tạo phải có đủ giảng viên cơ hữu, đúng chuyên ngành để giảng dạy các học phần trong chương trình bồi dưỡng, thì ĐHTDM đã qua mặt Bộ GD&ĐT trong xem xét hồ sơ xin phép và giám sát quá trình tổ chức đào tạo.
Không chỉ ĐHTDM mà còn nhiều cơ sở đào tạo cũng có những vi phạm cố tình tương tự ở mức độ khác nhau. Sai phạm này trước hết do buông lỏng quản lý của Bộ GD&DT, không kiểm soát chặt chẽ hồ sơ xin phép và không giám sát quá trình tổ chức đào tạo. Dĩ nhiên, nhóm người nào được hưởng số tiền học phí một suất từ 2 – 3 triệu đồng của hàng vạn giảng viên đang là câu hỏi của dư luận.
Câu giờ kiếm đến cùng
Trước phản ứng gay gắt của dư luận về điều kiện giảng viên đại học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người đại diện Bộ GD&ĐT né tránh cho rằng do nó được quy định tại điều 77 của Luật Giáo dục năm 2005 thì phải thực hiện. Vậy bây giờ Luật Giáo dục năm 2019 không còn quy định điều kiện ấy nữa, Bộ GD&ĐT hành động ra sao?
Khi Luật chưa được Quốc hội thông qua, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh đã cho rằng, các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên sẽ không quy định trong Luật mà sẽ đưa vào các quy định ở các văn bản áp dụng đối với các trường hợp cụ thể. Như vậy, Bộ GD&ĐT vẫn chưa muốn buông câu chuyện “giấy phép con” hành nghề của giảng viên.
Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 đã không có thêm một điểm nào thể hiện giao Chính phủ hoặc giao trực tiếp Bộ GD&ĐT quy định các điều kiện khác về trình độ chuẩn của nhà giáo. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vậy Bộ GD&ĐT căn cứ vào đâu để đưa ra chuẩn đào tạo bổ sung là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm?
Quy định trình độ chuẩn của giảng viên đại học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vẫn có hiệu lực pháp lý đến 30/6/2020. Trong khoảng thời gian từ nay đến đó, Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các cơ sở giáo dục mở lớp pháp luật không thể xử lý sai phạm.
Tuy nhiên có nên hành động như vậy không? Với một điều luật cụ thể, khi nội dung văn bản ban hành lần sau theo hướng chặt chẽ/khó khăn hơn (ví dụ thủ tục nhà đất) so với văn bản trước đó, thì Nhà nước sẽ tạo thuận lợi để người dân hưởng lợi tối đa từ văn bản trước cho đến giờ chót.
Nhưng khi văn bản ban hành lần sau theo hướng nội dung tiến bộ hơn văn bản trước đó, Nhà nước tạo điều kiện cho người dân giảm thiểu thiệt hại bởi việc thực thi văn bản trước. Đó là đạo lý của một Nhà nước vì dân.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần sớm nghiên cứu dừng tổ chức đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để phù hợp với chủ trương giảm thủ tục, quy định bất hợp lý nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo yên tâm làm việc là điều nên làm, tránh những bức xúc không đáng có. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần