Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Thiếu tính khả thi!

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sĩ số lớp từ 40 đến 50 học sinh, diện tích phòng học gần 50m2, các chuyên gia giáo dục cho rằng, khoảng cách mỗi học sinh cách nhau tối thiểu 1,5m là quá khó thực hiện.

 Với sĩ số thường xuyên 40 đến 50 học sinh, việc đảm bảo khoảng cách 1,5 m là không khả thi nếu không tách lớp. Ảnh: Bảo Trọng

Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn tới các đơn vị liên quan để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại. Theo đó, nội dung “bố trí ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế” nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Cụ thể, tại văn bản Bộ Y tế gửi tới Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH về việc đề nghị khi học sinh khi trở lại trường, các cơ sở giáo dục bố trí mỗi học sinh cách nhau tối thiểu 1,5m, kèm theo đó là các yêu cầu về đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên trong quá trình học tập.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, đây là quy định rất khó thực hiện và thiếu tính khả thi. Theo ông Phạm Ngọc Anh, trên thực tế, các lớp học để đảm bảo cự ly này, tức chỉ khoảng 1/2 sĩ số có thể ngồi học. Như vậy, khi tuân thủ đề xuất trên, theo ông Ngọc Anh sẽ phải tách lớp thành 2 đến 3 lớp khác nhau.

“Khi tách lớp đồng nghĩa với việc phải tăng giáo viên, còn với lượng giáo viên như biên chế của từng trường là không thể đủ để đứng lớp. Nếu giờ lên phương án tăng giáo viên là không thể. Bởi vậy, tôi cho đây là phương án không khả thi, cần nghiên cứu, hướng dẫn thêm” - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy phân tích.

Tương tự, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, với khoảng cách như vậy, cách duy nhất là tách lớp. “Chúng tôi dự tính sẽ chia mỗi lớp làm 3. Sau đó, mỗi lớp mới sẽ học 2 ngày liên tiếp và các lớp sau gối vào. Học xong 2 ngày, các học sinh ở lớp mới sẽ được bổ sung kiến thức tại các lớp học trực tuyến” - bà Hằng “hiến kế”.

Theo đánh giá của bà Phạm Thị Lệ Hằng, các “lớp học 1,5m” sẽ không thể duy trì lâu, sẽ làm cả học sinh và giáo viên mệt mỏi. Bởi vậy, nếu giả thiết từ nay đến đầu tháng 5 tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, có thể bố trí đủ sĩ số đến lớp như bình thường, kèm theo là các biện pháp phòng bệnh tích cực.

Cho rằng “khoảng cách 1,5m” là một bài toán khó, bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhìn nhận: “Diện tích mỗi lớp học là 48m2, sĩ số lớp thấp 40 học sinh, lớp nhiều 54. Như vậy, dù kê bàn ghế so le, các lớp học này bắt buộc phải tách làm 3 mới đủ đảm bảo theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT".

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng hiệu trưởng trường THCS Chương Dương đã chủ động tính toán đến việc chia lớp và giảm dung lượng tiết học. Cụ thể, các lớp học sẽ được chia thành 2 đến 3 đợt học tương ứng 1/2 hoặc1/3 số học sinh, mỗi đợt học sẽ chỉ có 2 tiết, xong 2 tiết, các học sinh đợt sau vào thế chỗ. Học sinh các lớp học mới sau khi học trên trường, sẽ tham gia tiếp các lớp học trực tuyến để đảm bảo đủ lượng kiến thức theo yêu cầu của chương trình.

“Dù chia lớp đang là phương án khả dĩ nhất nhưng tôi thấy, đặt giả thiết các em ngồi cách nhau 1,5m tại lớp học. Vậy lớp học này có cho ra chơi hay không, cho ra chơi có cho tiếp xúc không hay học sinh chỉ được giải lao tại chỗ và các tình huống phát sinh khác. Do vậy, tôi mong sớm có hướng dẫn chi tiết hơn để các nhà trường thuận lợi khi triển khai” – bà Hồng nói thêm.