Quy hoạch 16 - 26% đất đô thị dành cho phát triển giao thông

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ đất giao thông chỉ đạt từ 5 - 10% đất xây dựng đô thị, trong khi dân số đô thị liên tục tăng, gây quá tải hạ tầng giao thông. Bộ Xây dựng đưa ra mục tiêu quy hoạch đất giao thông sẽ chiếm từ 16 - 26% đất đô thị vào năm 2030.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 130/BC-BXD báo cáo Quốc hội về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam, đặc biệt là ở các TP lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đến nay, công cụ quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu quy hoạch đất xây dựng hạ tầng giao thông đạt khoảng 16 - 26% đất đô thị vào năm 2030.
Phấn đấu quy hoạch đất xây dựng hạ tầng giao thông đạt khoảng 16 - 26% đất đô thị vào năm 2030.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt 60%. Riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đô thị loại I đạt khoảng 80%; đô thị loại II, III, IV đạt 40 - 50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng.

Các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị, có 49/63 tỉnh, TP đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị; 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị và một số địa phương đã thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật, tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn ở mức thấp (đạt khoảng 40%); diện tích đất đô thị quy hoạch xây dựng giao thông thấp (đạt từ 5 - 10%); một số hạ tầng khác đang trong tình trạng thiếu hoặc quá tải. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứ, lập quy hoạch, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý đô thị  đã đưa ra một số mục tiêu phấn đấu.

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm đạt tối thiểu 45%, năm 2030 trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên vào năm 2025: 1,5 - 1,9%, đến năm 2030: 1,9 - 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025: 950 - 1.000, năm 2030: 1.000 - 1.200; 100% đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết - phát triển; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2025: 11 - 16% vào, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị 6 - 8m2 năm 2025, 8 - 10m2 năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tối thiểu 28 m2/người năm 2025, đến năm 2030 tối thiểu 32 m2/người.

Năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, 100% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước 75% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25 - 30% năm 2025, 35 - 40% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực, quốc tế vào năm 2030.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần