Ngày 23/12, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương… và đại diện các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Tuấn Anh cho biết, Bình Định luôn xác định công tác xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ KH&ĐT, cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh, thành trong khu vực, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia; Bình Định đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619 ngày 14/12/2023.
Cùng với đó, sân bay Phù Cát hiện nay là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định cũng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1686 ngày 22/12/2023.
“Bình Định rất mong các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp góp ý, hiến kế, cũng như cam kết và triển khai hiệu quả các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ tại hội nghị hôm nay, để cùng nhau hợp tác, biến các tiềm năng, lợi thế, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực.
Từ đó, giúp tỉnh Bình Định phát huy thế mạnh, khai khác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn trong tương lai” – ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Bình Định là tỉnh ven biển có vị trí chiến lược rất quan trọng và nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, bản quy hoạch tỉnh Bình Định được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.
Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư mới cho các doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 12.400 tỷ đồng. Đồng thời, trao 22 bản ghi nhớ với các doanh nghiệp đề xuất dự án với số vốn dự kiến khoảng 90.000 tỷ đồng và 9,4 tỷ USD.
Trung tâm hành chính mới của tỉnh chuyển ra Khu Kinh tế Nhơn Hội
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Bình Định sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của tỉnh Bình Định phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa…
Đến năm 2050, Bình Định phát triển thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước...
Về công nghiệp, đến năm 2030, Bình Định phát triển 15 khu công nghiệp (6.714 ha), 68 cụm công nghiệp (3.470 ha). Đặc biệt, Trung tâm hành chính mới của tỉnh chuyển ra Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đô thị, dịch vụ.