Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Lập, huyện Đan Phượng: 10 năm vẫn nằm trên giấy

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng phát triển mạnh một số ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, việc thiếu mặt bằng sản xuất đang kìm hãm phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Đi thuê đất làm nghề

Trong khu xưởng được thiết kế hai tầng, hàng chục công nhân làm thuê cho gia đình chị Lê Thanh Yến, cụm dân cư số 10, xã Tân Lập miệt mài với các công đoạn cắt, xẻ gỗ, đục họa tiết, đánh bóng, phun sơn… Chị Yến cho biết, do diện tích nhỏ hẹp nên gia đình phải thiết kế không gian nhà xưởng thành hai tầng. Chị Yến cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đã đầu tư hệ thống nước dập bụi và cửa ngăn tiếng ồn, bụi sơn khi phun phủ lên đồ gỗ, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng sinh hoạt của gia đình và các hộ dân xung quanh.

Không có diện tích để xây dựng nhà xưởng như hộ chị Yến, nhiều hộ dân xã Tân Lập đang phải di dời ra vùng ven những cánh đồng để thuê đất mở xưởng làm nghề. Hộ anh Nguyễn Văn Điệp là một trong số đó. Theo anh Điệp, ngoài ảnh hưởng tới các hộ lân cận, việc làm nghề trong xóm làng còn khiến giao thương hết sức khó khăn do các phương tiện không thể vào thu mua, vận chuyển hàng hóa.

Công nhân sản xuất đồ gỗ tại một khu xưởng thuộc xã Tân Lập.  Ảnh: Trọng Tùng

Theo thống kê của UBND xã Tân Lập, hiện trên địa bàn có khoảng 800 hộ tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là nghề mộc, cơ khí. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ đóng góp của nhóm ngành này cho kinh tế địa phương chiếm trung bình khoảng 45% tổng giá trị sản xuất (tương ứng 250 - 300 tỷ đồng). Dù vậy, việc thiếu mặt bằng đang khiến mục tiêu mở rộng sản xuất của các hộ dân xã Tân Lập gặp rất nhiều khó khăn.

Chờ quy hoạch đến khi nào?

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy, năm 2006, UBND huyện Đan Phượng đã lập Dự án quy hoạch chi tiết điểm làng nghề với diện tích khoảng 10ha tại khu Đồng Lầy thuộc cụm 8, xã Tân Lập. Đây là khu vực đất trũng thấp, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Dự án đang được triển khai thì Hà Nội được điều chỉnh mở rộng địa giới nên phải tạm dừng để rà soát. Đến ngày 5/8/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5949/VPCP-KTN về việc phê duyệt kế hoạch rà soát quy hoạch cụm điểm công nghiệp của 26 tỉnh, TP đợt 2 (thực hiện theo Chỉ thị số 07/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, có dự án 10ha nêu trên thuộc xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Tại Văn bản số 9036/BCT-CNĐP ngày 16/9/2014 của Bộ Công Thương gửi UBND TP Hà Nội liên quan tới thỏa thuận quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, xã Tân Lập vẫn được phê duyệt dự án 10ha nêu trên. Điều đáng nói, trong Văn bản số 9036, huyện Đan Phượng còn được phê duyệt thêm 3 điểm cụm công nghiệp làng nghề khác thuộc địa bàn các xã: Tân Hội, Liên Hà và Liên Trung. Đến nay, các dự án thuộc 3 xã kể trên đều đã được triển khai xây dựng. Chỉ riêng cụm công nghiệp tại xã Tân Lập thì vẫn nằm… trên giấy.

Phản ánh của nhiều người dân địa phương cho thấy, khu Đồng Lầy với diện tích khoảng 10ha hiện đang được bà con tận dụng canh tác lúa hai vụ trong thời gian chờ triển khai quy hoạch. Tuy nhiên, do địa hình trũng thấp nên thường xuyên bị thất thu vụ Mùa hàng năm. Mong mỏi của đông đảo người dân và chính quyền địa phương nơi đây là UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo rà soát, tiến tới cho phép triển khai dự án cụm công nghiệp làng nghề tại xã Tân Lập. Điều này không chỉ giúp tránh lãng phí quỹ đất, mà còn tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.