70 năm giải phóng Thủ đô

Quy hoạch đi trước một bước

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quy hoạch kiến trúc đô thị trong giai đoạn đô thị hóa của Thủ đô cần phải đi trước một bước, từ đó các quận, huyện cũng phải xây dựng chiến lược và quy chế về quy hoạch kiến trúc, kiến trúc đô thị.

 Đại lộ Thăng Long, tuyến giao thông nối Trung tâm Thủ đô với các đô thị vệ tinh. Ảnh: Thanh Hải 
Chất lượng một số đồ án chưa cao

Theo đánh giá, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tuy nhiên, chính sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội đã đặt ra không ít thách thức cho Thủ đô, đặc biệt là công tác quy hoạch, hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng đã trở nên quá tải với tốc độ gia tăng dân số nhanh.

Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018, diễn ra hôm 30/11 vừa qua, lãnh đạo Sở QH - KT cho biết, trong năm 2018, Sở đã hoàn thành công tác thẩm định đối với dự án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ; 06 đồ án quy hoạch phân khu nội đô, gồm: H-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4 đã được hoàn chỉnh và đang chờ ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi xem xét phê duyệt.
Theo thống kê, trên địa bàn TP có khoảng 1.155 nhà chung cư (3 - 5 tầng) và 10 khu thấp tầng; các khu xuống cấp phần lớn nằm trong khu vực nội đô lịch sử. TP đã giao 20 đơn vị triển khai lập quy hoạch 29 khu chung cư cũ, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện.
Đối với các đồ án do UBND TP phê duyệt, Sở cũng đã hoàn thành 10 đồ án quy hoạch chi tiết, 1 thiết kế đô thị riêng, với tổng diện tích 655,3ha. Trong đó, có nhiều đồ án lớn như Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Gia Lâm, Thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trường Chinh, 2 khu nhà ở xã hội huyện Hà Đông và Đông Anh. Ngoài ra, UBND TP cũng đã thống nhất thông qua báo cáo tập thể đồ án Quy hoạch bến xe, bãi xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quy hoạch xây dựng nông thôn. Thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP và theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, Sở QH - KT đã góp ý 262/330 hồ sơ nhiệm vụ và 245/330 đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới các xã để UBND 18 huyện thị phê duyệt theo thẩm quyền.

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Lê Vinh cho biết, mặc dù công tác quy hoạch kiến trúc đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng trên thực tế chất lượng một số đồ án chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện các đồ án còn chậm, đặc biệt là các đồ án quy hoạch, còn nhiều đồ án tồn tại từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong công tác quy hoạch kiến trúc vẫn chưa được quy hoạch cụ thể, chi tiết, phát sinh những tình huống phức tạp, tập trung khiếu kiện tại bộ phận dân cư... Nhiều trường hợp vi phạm xây dựng, sai thiết kế... vẫn xảy ra trên địa bàn do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư bộc lộ những hạn chế” - ông Lê Vinh nói.

Xây dựng chiến lược về quy hoạch

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, do đặc thù của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra những thách thức mới về công tác quản lý Nhà nước theo lĩnh vực của ngành, đó là làm sao để xây dựng một chương trình quy hoạch chung đảm bảo sự đồng nhất giữa khu vực nội đô với các khu vực nông thôn, miền núi; dân số tăng quá nhanh dẫn đến những đòi hỏi về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội; đặc biệt ở khu vực nội đô lịch sử, việc đập đi xây mới gần như là không thể, nên phải có những thiết kế đô thị phù hợp... Như vậy, công tác quy hoạch cấp thiết phải đi trước một bước và có kế hoạch dài hạn. Công tác này không chỉ là việc riêng của sở, ngành chuyên môn mà cần phải có sự vào cuộc chung của các quận, huyện trên toàn TP.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, các quận, huyện, thị xã cũng phải xây dựng chiến lược và quy chế về công tác quy hoạch, kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế tại khu vực của địa phương. Từ đó, có thể hỗ trợ các sở, ngành chuyên môn trong việc tổng hợp và xây dựng các kế hoạch chung phù hợp nhất cho ngành.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, việc phối hợp này là hết sức quan trọng, để các sở, ngành chuyên môn có thể dễ dàng đánh giá và xây dựng kế hoạch tổng thể của từng địa bàn. “Quận Ba Đình đã xây dựng xong quy chế riêng của quận về công tác quy hoạch – kiến trúc, gửi báo cáo lên Sở QH - KT trình UBND TP. Hiện nay đang chờ phê duyệt, giúp cho công tác quản lý trên địa bàn phù hợp hơn với điều kiện phát triển thực tế của quận” - ông Tạ Nam Chiến nói.