Tuy nhiên, ở góc độ đồng bộ hóa biển hiệu với hai gam màu chính là xanh nước biển và đỏ đang có nhiều ý kiến khác nhau. Để rộng đường dư luận, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia xây dựng, kiến trúc, quy hoạch về ranh giới giữa trật tự hóa và đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường này.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Nên cho phép phá cách Việc quy định màu sơn đối với từng căn nhà biểu hiện tính hợp lý ở chỗ cố gắng tạo ra nét riêng của dãy phố đó. Tuy nhiên, nếu biển quảng cáo theo cùng một mẫu thì tác dụng lại ngược lại. Nghĩa là tạo ra nhiều con phố đơn điệu hơn là sự độc đáo. Biển quảng cáo chỉ có chức năng tạo ra sức hút đối với chính nó hoặc thương hiệu của nó chứ không liên quan đến tính đặc trưng của một dãy phố. Cá nhân tôi cho rằng màu sơn đối với từng nhà là hợp lý còn biển quảng cáo thì có lẽ là nên cho phép phá cách. Trên thế giới có nhiều quan điểm, quy định về biển quảng cáo thế nhưng chưa có nước nào áp dụng đồng bộ hóa biển quảng cáo trên tất cả các con phố. Biển quảng cáo của một dãy phố mà yêu cầu phải theo cùng một chất liệu, màu sắc sẽ tạo ra sự đơn điệu, gây nhàm chán đối với cảnh quan. Đồng ý là cần thiết phải tạo ra một số quy tắc nhất định trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn nhưng cũng phải có “độ mở” nhất định đối với các biển hiệu về màu sắc, chữ, cách thức để tạo nên tính đa dạng đối với đô thị. Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Luật sư Nguyễn Đắc Thực: Việc quy hoạch biển quảng cáo theo quy chuẩn không trái Luật Sở hữu trí tuệ Việc quy hoạch quảng cáo theo tiêu chuẩn và quy chuẩn trên phố Lê Trọng Tấn là phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này sẽ tạo ra một hình ảnh về một tuyến phố văn minh và đẹp hơn. Điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu của các DN, cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố Lê Trọng Tấn. Bởi theo quy hoạch về biển quảng cáo tại tuyến phố này chỉ quy định cụ thể về hình thức, kích thước và màu nền của biển, còn các nội dung khác như logo, tên thương hiệu vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, việc quy hoạch như thế này không trái với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về quảng cáo. Mặt khác, việc đồng bộ biển quảng cáo cũng không ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu của DN đối với nhãn hiệu bởi lẽ thương hiệu và biển quảng cáo là hai phạm trù khác nhau. Thương hiệu được tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể được thể hiện bằng nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ, còn biển quảng cáo thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Quảng cáo. Tuy nhiên không thể phủ nhận việc quy hoạch trên sẽ gây vài hạn chế nhất định cho một số cửa hàng kinh doanh nhỏ hoặc gây khó khăn cho khách hàng khi tìm đến các địa điểm này. Nhưng về tổng thể thì việc quy định như vậy là hợp lý, tạo được vẻ đẹp cho cả tuyến phố như hiện nay. Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Hoàng Đạo Kính: Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm mỹ quảng cáo Thực tế diện mạo kiến trúc TP cũng như diện mạo biển hiệu quảng cáo tại Hà Nội đang hết sức lộn xộn. Quan trọng là sự lộn xộn đó kèm theo chất lượng thẩm mỹ không cao, chưa tương xướng với sự phát triển của Thủ đô. Cho nên, vấn đề nâng cao chất lượng và trật tự hóa quảng cáo là cần thiết phải làm. Bắt nguồn từ câu chuyện, chấn chỉnh trật tự hóa quảng cáo ở đường Lê Trọng Tấn, tôi đồng tình với nỗ lực trật tự hóa diện mạo đường phố của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng nâng cao thẩm mỹ diện mạo quảng cáo Hà Nội không có nghĩa là đồng nhất, thái cực hóa. Quy định cứng nhắc về màu sắc. chất liệu… là không nên bởi điều này loại bỏ tính đa dạng của ngôn ngữ, thẩm mỹ quảng cáo. Biển hiệu quảng cáo bên cạnh việc bán hàng còn liên quan đến nhận diện thương hiệu do tương thích với nhu cầu kinh doanh, nhu cầu của các nhóm dân cư từng con phố. Sự đa dạng, đa sắc của biển quảng cáo đem lại bản sắc riêng cho từng đô thị nên bên cạnh đưa vào trật tự thì phải mở đường nâng cao chất lượng thẩm mỹ. Trong đó nên coi trọng tính đa dạng, sáng tạo, cá biệt của từng cửa hàng, cơ ngơi kinh doanh. GS.TS Ngô Bảo Châu: Tôi hoan nghênh cố gắng của chính quyền Hà Nội Trên facebook cá nhân của mình, GS.TS Ngô Bảo Châu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của UBND TP Hà Nội: Cá nhân rất tôi hoan nghênh cố gắng của chính quyền Hà Nội. Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp. Đi dọc phố phường Hà Nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người, nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi. Phố Huế yêu quý của tôi ngày một giống một phố quê luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với một cuộc sống ngày một xập xệ. Việc dễ nhất trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là quy định kích cỡ, gam mầu, mẫu chữ cho biển báo cho từng khu phố buôn bán. Dường như chính quyền Hà nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơn là không làm. Tất nhiên có nhiều gam màu khác nhau, không nhất thiết cứ phải cơ bản như thế này. Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Trần Huy Ánh: Cần có thời gian để chiêm nghiệm Ấn tượng đầu tiên của tôi là được nhìn thấy nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát quy hoạch biển hiệu, họ đã làm được. Ấn tượng thứ hai là sự đơn điệu, chủ quan. Quy định này hay vì sự trật tự và chưa hay vì chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị. Quan sát trên tuyến phố Lê Trọng Tấn có thể thấy DN gia công biển hiệu mới làm phần nền, còn nội dung hình thức vẫn là nơi sáng tạo cho các chủ cửa hàng, các đơn vị quảng cáo khác thể hiện trong phạm vi diện tích riêng của mình. Thực tế cho thấy đường Lê Trọng Tấn hiện đang thể hiện nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát trình bày quảng cáo biển hiệu. Ở đây khái niệm “loại bỏ quảng cáo bừa bãi, mất trật tự” đã được thể hiện một cách rõ ràng. Tuy nhiên nếu coi đây là bài học tốt để nhân rộng thì cần cân nhắc. Tôi đã có mặt tại nhiều TP lớn và đẹp trên thế giới như Paris, Tokyo... nhưng chưa từng thấy nơi nào có biển hiệu dài hàng trăm mét dọc phố có 2 màu xanh đỏ. Đường Lê Trọng Tấn mới được hoàn thành và cần có thời gian để chiêm nghiệm. Mặc dù con đường này đã tạo ra sự đột phá trong thiết lập trật tự quản lý nhưng cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế mà dư luận đã lên tiếng. Tôi tin rằng những người có trách nhiệm, các nhà quản lý ít nhiều để tâm và có giải pháp phù hợp hơn. |