Quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm Hà Nội: Tương thích và đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Vậy quy hoạch không gian ngầm sẽ có định hướng như thế nào, đặt ra những yêu cầu gì đối với quá trình phát triển của khu vực đô thị trung tâm Hà Nội?.

Dành không gian thiên nhiên cho con người

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy mô dân số Thủ đô đến năm 2050, phần phát triển đô thị dự báo đạt khoảng 7,5 triệu dân, trong đó đô thị trung tâm đạt khoảng 5,4 triệu dân, bằng khoảng gần 2 lần hiện nay. Đồng thời, Hà Nội cũng được định hướng trở thành đô thị "Xanh - Văn minh - Văn hiến - Hiện đại", điều đó nhắm tới mục tiêu đưa con người gần với thiên nhiên hơn, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa chiều cao và chiều sâu, các nhu cầu có tính chất cộng đồng như giao thông, dịch vụ thương mại… đang dần thích nghi với xu hướng tập trung hóa và tận dụng tối đa không gian ngầm để dành nhiều không gian thiên nhiên hơn cho người dân đô thị với nhiều hình thức đa dạng bảo đảm tiết kiệm năng lượng nhất.
Hầm chui Trung Hòa. 	Ảnh: Phạm Hùng
Hầm chui Trung Hòa. Ảnh: Phạm Hùng
Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 39/2010/NĐ-CP đã xác định không gian xây dựng ngầm gắn liền với quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm cũng như việc khai thác không gian xây dựng ngầm đến nay còn rời rạc, mang tính chất đơn lẻ từng công trình và chưa được tổ chức, quản lý đồng bộ theo quy hoạch chung.
Quy mô lập quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội khoảng 75.600ha. (75s6 km2) với quy mô dân số đến năm 2030, khoảng 4,6 triệu người; dân số đến năm 2050, khoảng 5,4 triệu người. Phạm vi nghiên cứu: Phía Bắc: giáp sông Cà Lồ;  Phía Đông: giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên; Phía Tây và Nam: là đường Vành đai 4.

Trong chùm đô thị theo Quy hoạch chung, đô thị trung tâm đã và đang có nhiều dự án đầu tư xây dựng không gian xây dựng ngầm đô thị với độ phức tạp cao và là vấn đề mới trong nghiên cứu cũng như trong quản lý đô thị của Thủ đô. Đồng thời, hiện nay các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái đang trong giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch chung, hệ thống không gian xây dựng ngầm cho các đô thị này sẽ được tiếp tục triển khai ở giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm cho đô thị trung tâm của Hà Nội là điều cần thiết và cấp bách, phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô, tạo tiền đề lập cơ sở dữ liệu quản lý không gian xây dựng ngầm.

Tích hợp nhiều chuyên ngành

Theo “đề bài” của UBND TP, việc quy hoạch không gian ngầm phải đảm bảo sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; đồng thời đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất. Nội dung của đồ án quy hoạch sẽ bao gồm phân tích, đánh giá tình hình hiện trạng không gian xây dựng ngầm đô thị; đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn, khoanh vùng, xác định các khu vực chịu ảnh hưởng nước ngầm, sụt lún và các yếu tố  thiên tai khác... Cùng với đó, các yêu cầu đặt ra là điều tra, phân loại và đánh giá về hiện trạng xây dựng các công trình trên mặt đất và công trình ngầm đô thị, đánh giá về công tác quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, những tồn tại và các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Từ đó có những đánh giá tổng hợp, so sánh, đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế để rút ra bài học có thể áp dụng vào thực tiễn. Quy hoạch cũng sẽ xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm, phân loại cụ thể các hình thức khai thác không gian xây dựng ngầm, đề xuất các tiêu chí lựa chọn đất đai, các điều kiện khống chế. Trong đó xác định hệ thống giao thông ngầm bao gồm hướng tuyến, vị trí và quy mô các tuyến đường sắt đô thị; vị trí, quy mô hầm đường bộ và khu vực dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm.
Xây dựng công trình ngầm - Không chấp nhận sai lầm
Không phải chỉ có chi phí lớn mà còn có một nguy cơ khác cần phải nhắc đến đó là đã xây rồi thì không thể phá được. Điều này đồng nghĩa không chấp nhận sự sai lầm trong đầu tư các công trình ngầm. Nhìn chung làm hệ thống ngầm phải có sự tổng hợp trong việc cung cấp các dịch vụ, đáp ứng được nhiều nhu cầu thiết thực của người dân. Vì vậy khai thác không gian ngầm rất đắt nhưng sẽ không “đắt” nếu biết cách khai thác.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần