Cùng đó tất yếu đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi khâu quy hoạch luôn phải “đi trước một bước” để TP phát triển đúng với tầm vóc mới.
“Đại quy hoạch” cho một “đại đô thị”
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, Thủ đô Hà Nội có 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính (vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008), gắn liền với 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt (các năm 1962, 1974, 1976, 1982, 1992, 1998, 2011).
Trong đó, lần đặc biệt nhất là vào năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2 gấp 3,6 lần diện tích cũ; với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 quận nội thành, 18 huyện và 1 thị xã ngoại thành (154 phường, 22 thị trấn, 401 xã), dân số trên 6.800.000 người.
Có thể thấy, quyết định của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008 đã tạo cho Hà Nội một diện mạo mới. Hà Nội trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, trong nhóm 12 thủ đô trên thế giới có lịch sử phát triển hàng nghìn năm với quỹ di sản phong phú giao thoa giữa các nền văn hóa của thế giới, có hệ sinh thái phong phú.
Tuy nhiên, sự mở rộng không thuần túy mang tính cơ học về không gian, quy mô diện tích, số lượng các đơn vị hành chính, dân cư, kinh tế, mà thực chất là hướng đến tạo ra bước phát triển mới về chất của một thành phố thủ đô đại diện cho đất nước 100 triệu dân.
Với tầm quan trọng như vậy, gần như ngay lập tức sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu đồ án quy hoạch chung Thủ đô với quá trình thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ. Để 3 năm sau đó (năm 2011), đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (gọi tắt là QHC1259). Như vậy Thủ đô Hà Nội có được một bản quy hoạch đồ sộ cả về phạm vi, quy mô, cách thức nghiên cứu và mô hình cấu trúc.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, giới chuyên gia vẫn gọi QHC1259 là một “đại quy hoạch” cho một “đại đô thị”. Tuy nhiên, việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra thời cơ mới cho xây dựng và tái thiết Thủ đô nhưng cũng là thách thức rất lớn với công tác quy hoạch của Hà Nội. Bởi, bên cạnh việc quản lý, phát triển, quy hoạch đòi hỏi luôn phải “đi trước một bước” để TP phát triển đúng với vị thế, tầm vóc mới.
Cơ hội ngàn năm có một
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, triển khai thực hiện QHC1259, Hà Nội đã phủ kín 100% đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch phân khu đô thị và đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù được đồng bộ triển khai.
Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của chính quyền TP trong hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn thực hiện cho thấy, QHC1259 còn những hạn chế cần rà soát, để kế thừa, điều chỉnh, đồng thời cần cụ thể hóa một số chủ trương, định hướng phát triển mà Đảng, Nhà nước đã xác định gần đây. Từ đó có thể khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch là yêu cầu khách quan nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục hoạch định đường hướng phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024.
Đây là thời cơ ngàn năm có một để phát triển Thủ đô xứng tầm thời đại. PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, Hà Nội đang đứng trước cơ hội hiếm có để thay đổi cách nghĩ, nhận diện lại cấu trúc phát triển của Thủ đô.
“Tại thời điểm này, quan trọng nhất là cách đặt vấn đề phát triển Thủ đô phải đúng tầm với sứ mệnh, không phải chỉ của riêng một địa phương mà là tạo hình mẫu dẫn dắt cả nước. Do đó, các đồ án quy hoạch cần nhất quán, được nhìn theo cùng hướng, cùng mạch, không chỉ để giải quyết những khó khăn cũ trước đây hoặc sa vào chỉnh sửa những nội dung chưa làm xong mà phải có sứ mệnh tạo ra diện mạo, cơ hội phát triển Thủ đô xứng đáng với thời đại mới” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Với quyết tâm có được đường hướng, dẫn dắt Thủ đô Hà Nội sau 15 năm mở rộng, phát triển nhanh, mạnh, toàn diện hơn nữa, TP đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đồ án quy hoạch lớn với chất lượng cao. Để quy hoạch luôn là bước đi trước dẫn dắt, lan tỏa những khát vọng vươn cao, vươn xa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, 12 năm thực hiện QHC1259, những thành tựu mà Hà Nội thu được rất lớn. Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị chuyển biến tích cực, cảnh quan nâng cao. Thành phố đã hình thành một số khu đô thị lớn, hoàn chỉnh cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Một số đơn vị cấp huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn đạt kết quả nổi bật. Hà Nội đã có sự phát triển cả về diện mạo không gian đô thị, cả về diện mạo văn hóa, xã hội; thể hiện tốt vai trò trung tâm chính trị - hành chính, tiên phong, dẫn đầu của một thành phố thủ đô; được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính