Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch mở đường cho phát triển

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, còn rất nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, chậm tiến độ so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Còn tới 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt

Theo Kế hoạch và tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022, đối với 58/62 quy hoạch tỉnh (ngoài Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt từ ngày 17/2/2022) và 34 quy hoạch ngành phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch trong năm 2022. Còn lại 4 quy hoạch tỉnh (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương) và 5 quy hoạch vùng, có tiến độ thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt trong năm 2023.

Người dân xem sa bàn quy hoạch phát triển chung Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân xem sa bàn quy hoạch phát triển chung Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy vậy, kết quả triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch trên thực tế hiện vẫn rất chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng số 111 quy hoạch, đến nay mới phê duyệt được 19 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Cả nước mới có 8 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Tuyên Quang.

Chính sự chậm trễ này, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng và đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và bổ sung giải pháp cụ thể hơn. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho hay, đến nay vẫn còn tới 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt. Trong khi hạn hoàn thành các quy hoạch là năm 2023.

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết, hiện nay các bộ, ngành TƯ, địa phương đang khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch. Do còn rất nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, vì vậy, nhiều dự án chậm triển khai đầu tư do thiếu quy hoạch.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật không được lập mới, mà thực hiện điều chỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh.

Do đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá, trong khi nhiều quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành… chưa xong sẽ tạo ra sự lúng túng nhất định cho việc triển khai lập các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch tỉnh.

Trong khi đó, nhiều quy hoạch tỉnh chậm hoàn thành để duyệt dẫn đến các chương trình, dự án đầu tư đều bị dừng lại, không thể triển khai gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn

Nguyên nhân của việc chậm trễ hoàn thành các quy hoạch, theo Bộ KH&ĐT chủ yếu do đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, nhiều nơi, nhiều lúc công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó,  đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ, năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thêm nữa, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, nhất là việc cho ý kiến về quy hoạch trong giai đoạn lấy ý kiến, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt, chất lượng còn hạn chế; việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau khi được thẩm định còn nhiều khó khăn, các địa phương rất lúng túng khi điều chỉnh, bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất…

Tại Hội nghị toàn quốc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tổ chức hồi tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho hay, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh, Nghệ An gặp vướng mắc trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ.

Với định hướng tạo không gian phát triển, tỉnh nhận thấy có một số chỉ tiêu sử dụng đất để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển đô thị theo Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn thấp, một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với nhu cầu của tỉnh để đưa vào Quy hoạch.

Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khiến công tác triển khai lập quy hoạch Thủ đô còn chậm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nguyên nhân chính là địa phương còn lúng túng trong câu chuyện sử dụng nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch.

Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công thì quy trình quá lâu, nếu sử dụng vốn sự nghiệp thì không được phép. Hà Nội đã mất từ 6 - 7 tháng với vấn đề nguồn vốn.

Trước thực tế trên, ngày 25/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cơ bản hoàn thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch và tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tại Công văn số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022, trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ TN&MT, KH&ĐT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, theo dõi tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của các bộ, địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với các điều kiện thực tế nhằm hoàn thành cơ bản các quy hoạch trong năm 2023.

Có thể nói, trong bối cảnh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc thực hiện là rất cần thiết. Nhưng để có thể sớm hoàn thành một khối lượng lớn quy hoạch, mở đường cho phát triển, nhiều ý kiến cho rằng rất cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để chậm trễ quy hoạch.

 

Hiện nay, các ngành, địa phương đang tích cực vào cuộc để lập quy hoạch, tuy nhiên lại phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn trong khi các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trên cả nước không có nhiều. Có thông tin hiện có đơn vị tư vấn đang lập tới 22 đồ án quy hoạch tỉnh. Trong khi mỗi địa phương ở miền núi, miền biển, Tây Nguyên lại có điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa đặc trưng, nếu cùng một vị tư vấn lập quy hoạch thì chắc chắn sẽ không sâu, đồ án không chất lượng.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính