Quy hoạch sử dụng đất: Tăng cường thẩm quyền cho HĐND các cấp

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Đất đai 2013 sửa đổi dự kiến đưa vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp.

Theo các chuyên gia, thời gian chuẩn bị để hoàn thiện nội dung vẫn còn tương đối dài để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận những vấn đề cốt lõi về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, về quy hoạch của ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị...
Giao địa phương ban hành khung giá đất
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đất đai sửa đổi), nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ nhằm vào 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Cụ thể: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; Phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Bảo vệ, cải  tạo, nâng cao chất lượng đất đai.
Quy hoạch sử dụng đất cần phát huy vai trò của khu vực tư nhân.
“Giải pháp được đề xuất là sửa đổi quy định về giá đất của Nhà nước theo hướng Nhà nước quản lý thống nhất hệ thống thông tin giá đất, Chính phủ không ban hành khung giá đất. Giải pháp này, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sẽ giúp cho địa phương chủ động trong việc ban hành bảng giá đất phù hợp hơn với giá đất phổ biến trên thị trường, hạn chế việc khiếu nại liên quan đến giá đất” - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
“Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói.
Cần tập trung vào vấn đề cốt lõi

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, một trong những điểm bất cập trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bổ sung, có ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện là vai trò rất hạn chế của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, do chỉ là cơ quan thường trực thuần tuý của HĐND cùng cấp, có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, không có thẩm quyền quyết định một số nội dung (như điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất) giữa hai kỳ họp HĐND (thông thường họp 2 kỳ/năm), nên không giải quyết kịp thời yêu cầu đề xuất sử dụng đất dự án của các nhà đầu tư.

“Do vậy, cần thiết bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi, đề nghị Quốc hội quan tâm, nghiên cứu liên quan thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện quyết định một số nội dung (như điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất) giữa hai kỳ họp HĐND. Trường hợp HĐND có quyết định khác, thì thông báo cho UBND để thực hiện theo Nghị quyết của HĐND” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần tập trung vào một số vấn đề cốt lõi về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch của các ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, cụ thể: Thống nhất quy hoạch toàn bộ lãnh thổ quốc gia, cấp tỉnh, các ngành quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng (trước hết là bản đồ vị trí đất, bản đồ địa hình), để trên cơ sở đó thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, vừa theo lãnh thổ vừa theo tuyến.

Quy hoạch phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia (bao gồm biển, đảo) và cả quy hoạch không gian tầng bề mặt đất, không gian dưới bề mặt đất (không gian ngầm); không gian bên trên bề mặt đất; không gian biển, đảo; bảo đảm sự phù hợp với “quyền bề mặt” theo quy định của Bộ Luật Dân sự và công ước quốc tế mà nước ta tham gia.

Quy hoạch phải thực hiện được các chủ trương của Đảng: Tích tụ, tập trung đất đai, dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng kể cả khu vực lân cận và phát huy vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất, Quỹ phát triển đất thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, quản lý và tổ chức đấu giá quỹ đất thu hồi, tạo nguồn lực từ đất đai cho ngân sách nhà nước và ổn định xã hội; Xác lập cơ chế sử dụng đất thương mại, dịch vụ (trong đó, có đất du lịch) mà nhiều người cùng có quyền sử dụng đất chung theo phần không thể phân chia, như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment)…