Cùng với Quy hoạch chung Thủ đô, nếu Hà Nội thực hiện nghiêm các đồ án quy hoạch lớn vừa được thông qua sẽ có bước tiến quan trọng, đột phá, góp phần vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhận diện lợi thế theo cách tiếp cận mới
Tại hội nghị công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “TP Hà Nội đã hoàn thiện 2 quy hoạch rất công phu, trên cơ sở kế thừa những quy hoạch trước đây và tìm ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mới. 2 đồ án đã chỉ ra được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém để có giải pháp thực hiện”.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ: “Tôi nghĩ đánh giá của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác. Bởi tôi cũng bám sát quá trình quy hoạch của Thủ đô. Không chỉ quy hoạch mà còn cả quá trình thay đổi về thể chế, nhất là Luật Thủ đô. Cho nên, việc đánh giá cao Quy hoạch Thủ đô là hoàn toàn có cơ sở”.
Nói về 2 quy hoạch, Hà Nội nhận diện lại các tiềm năng, lợi thế của mình theo cách tiếp cận mới, không theo truyền thống, có những yêu tố gì mới, khác đã được đặt vào.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cần tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới và nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; có biện pháp huy động nguồn lực phù hợp, hiệu quả; tôn trọng quy hoạch và khi cần điều chỉnh thì cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng. Hà Nội nghiên cứu xây dựng cung triển lãm quy hoạch xứng tầm để vừa tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân, vừa thu hút đầu tư, đồng thời là một sản phẩm du lịch; xây dựng "làng trong phố, phố trong làng".
Cùng đó, tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, phát huy tối đa truyền thống, bản sắc văn hóa - lịch sử phong phú, hào hùng; khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian vũ trụ, không gian mặt nước, hồ ao, đặc biệt là sông Hồng… Nếu Hà Nội thực hiện nghiêm các đồ án quy hoạch lớn vừa được thông qua, TP sẽ có bước tiến quan trọng, đột phá, góp phần vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên: “Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa - đất văn hiến thì lợi thế này là tuyệt đối. Vì vậy đầu tiên, việc quy hoạch của Hà Nội là đánh giá lại tiềm năng, lợi thế trên cách tiếp cận mới, nền tảng mới, định hướng mới cho thấy tầm nhìn của Hà Nội đã khác. Trên cơ sở đó, Hà Nội mở ra các tuyến, khu vực chức năng căn cứ không chỉ vào yếu tố truyền thống mà định hướng dẫn dắt cho cả vùng, cả quốc gia và nhập vào xu thế thời đại. Ví dụ thiết kế đô thị cũng khác, trung tâm khoa học công nghệ, văn hóa đều trên tầm khác. Tổng hợp những yếu tố đó cho thấy Hà Nội định vị mình một cách chính xác trên tất cả các tuyến, các chức năng phát triển. Qua đó bảo đảm quy hoạch của Hà Nội đúng tầm, đúng vai trò”.
Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay thay đổi nhanh nên quy hoạch không thể cứng mà phải đặt ra khung, tầm để phát triển. Tinh thần đó cũng được đề cập trong các thuyết minh về quy hoạch.
“Chúng ta cần hiểu, thực hiện quy hoạch hay chắc chắn là phá vỡ cái cũ nhiều nên khó. Việc Hà Nội đưa ra chương trình hành động, quyết tâm hành động cao, đúng tầm là thách thức lớn. Nhưng Thủ tướng nói T.Ư luôn luôn ủng hộ Hà Nội, cả nước cùng với Thủ đô thì tôi nghĩ với tầm nhìn quy hoạch, cách tiếp cận quy hoạch như vậy Hà Nội có đủ khí thế, khí phách để hành động” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Để Hà Nội trở thành cực tăng trưởng, dẫn dắt vùng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện quy hoạch cần tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới và nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Qua đó có thể thấy, Quy hoạch Thủ đô không đơn thuần chỉ là quy hoạch riêng Hà Nội mà đặt Hà Nội là một cực tăng trưởng để dẫn dắt vùng. Theo các chuyên gia, thực hiện quy hoạch ở Hà Nội và có liên vùng là điều khó nhưng không thể không làm, nếu chậm làm sẽ quá muộn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để tận dụng phát huy nguồn lực hiện có, Hà Nội cần có nguồn lực bổ sung về công nghệ, nguồn lực đầu tư.
Nhận định cụ thể hơn, nhiều ý kiến chia sẻ rằng, ở Hà Nội tập trung nhiều tập đoàn lớn, các đơn vị sẵn sàng đầu tư vào Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội còn thiếu gì cần phải được họp bàn để đưa ra. Hiện nay, T.Ư đang khuyến khích các địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm, Hà Nội cần phát huy vai trò đầu tàu, Thủ đô của cả nước. Nếu làm được, Hà Nội sẽ không thiếu nguồn lực.
Một số chuyên gia gợi ý, Hà Nội phải thúc đẩy lợi thế về con người, bởi nhân tài tập trung đa số ở Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho người tài phát huy.
Mặt khác, đánh giá về cơ hội phát triển của Thủ đô, khi Hà Nội đã có những định hướng hết sức có giá trị đó là Luật Thủ đô 2024 và các quy hoạch lớn, nhất là Quy hoạch Thủ đô được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" được phê duyệt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đây là sự linh hoạt về cơ chế của TP Hà Nội; là công cụ sắc bén để tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2024.
Việc TP Hà Nội công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đánh dấu một mốc giới quan trọng trong việc lập trình phát triển Thủ đô trong những năm tới.
Bản quy hoạch đã thực hiện với sự nỗ lực rất cao, phát huy trí tuệ nội lực của các tổ chức, đơn vị tư vấn, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện. Tuy vậy trước những đòi hỏi của Kỷ nguyên mới, cần thiết những đổi mới sáng tạo toàn diện, bản quy hoạch đã có cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện mới đáp ứng những yêu cầu cáp bách cũng như lâu dài.
Ví dụ việc đặt ra những kế hoạch phát triển 600km đường sắt đô thị trị giá hơn 50 tỷ USD cần có phương án cấp bách để huy động nội lực trong nước khắc phục nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí.
KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội
Riêng về công tác quy hoạch trong Luật Thủ đô có rất nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, như về điều chỉnh quy hoạch, công tác phê duyệt các dự án, chọn chủ đầu tư, xác định nguồn lực.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, qua thống kê, trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14 - 15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn. Có thể nói, trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý.
"Tôi tin tưởng, nếu chúng ta thấm nhuần trọng trách được Nhà nước giao, với tinh thần tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm sẽ đưa Thủ đô lên tầm cao mới. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong Kỷ nguyên mới” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Sớm triển khai, hoàn thiện TOD
Bàn về mô hình TOD, KTS Lê Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm kiến trúc, quy hoạch Hà Nội cho biết, phát triển quy hoạch đô thị theo mô hình TOD hay phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, chúng ta phải dựa trên nguyên tắc đầu tiên là phải phát triển được giao thông công cộng. Có thể nói, thời điểm hiện nay cũng được T.Ư quyết định TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần sớm triển khai, hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị với 14 tuyến đường sắt đô thị, gần 300km hoàn thiện đến năm 2035; 500km đường sắt đô thị đến năm 2045. Đó là nền tảng để khi đó chúng ta tái cấu trúc đô thị theo mô hình TOD.
Mô hình TOD áp dụng vào Hà Nội, được phân làm 2 loại. Loại 1 là các khu vực phát triển mở rộng, trước mắt sẽ xây dựng dự án khu đô thị một cách đồng bộ, hoàn chỉnh theo mô hình TOD mà quốc tế đã phát triển. Trong các khu vực phát triển đô thị hiện hữu như nội đô lịch sử, chúng ta áp dụng các phương pháp TOD để cải tạo, tái thiết đô thị, cũng như bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng và dịch vụ cho người dân.
Về nguồn lực để triển khai rất lớn, KTS Lê Hoàng Phương cho rằng, việc triển khai được các tuyến đường sắt là một thách thức; và việc phát triển đô thị xung quanh các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD là một thách thức lớn hơn.
Tuy nhiên, khi TP Hà Nội đã thành một vùng đô thị lớn, TP toàn cầu, chúng ta không còn mô hình khác để lựa chọn, bắt buộc phải đi theo xu hướng quốc tế. Để thực hiện nội dung này, cần căn cứ nguồn lực, điều kiện thực tiễn của từng giai đoạn để phát triển.
"Cùng với quá trình đó, đầu tiên mạng lưới đường sắt sẽ được quy hoạch và thiết kế lại một cách hoàn chỉnh hơn; và sẽ lựa chọn lộ trình khả thi để đầu tư từng khu vực. Gắn với từng khu vực đó, khu vực nào có điều kiện phát triển các khu đô thị trước sẽ làm; khu vực nào chưa có điều kiện sẽ thực hiện từng bước. Qua đó, chúng ta sẽ có những việc làm chậm sẽ giữ lại, bảo tồn các giá trị lịch sử của Hà Nội tốt hơn là làm một cách hàng loạt" - KTS Lê Hoàng Phương chia sẻ.
Từ kinh nghiệm tái cấu trúc thành công của nhiều TP trên thế giới, việc kết nối, sử dụng đất đai chức năng, phát triển các không gian đô thị sáng tạo, thông minh cho nhu cầu sống, dịch vụ, vui chơi, giải trí và làm việc, bảo tồn, tái phát triển đô thị, khai thác cảnh quan các còn sông là giải pháp cần được ưu tiên khi Hà Nội thực hiện 2 đồ án quy hoạch vừa được thông qua.
TS Nguyễn Quang - Nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên Hợp quốc tại Việt Nam.