Quy hoạch xây dựng không gian ngầm trung tâm TP Hà Nội: Cơ hội lớn cho phát triển

KTS Trần Huy Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị càng phát triển, không gian ngầm càng trở nên quan trọng và dần trở thành xu hướng tất yếu. Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đã được lập. Tuy nhiên, bản quy hoạch này tới đây cần được đồng bộ, tích hợp trong nội dung Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 , tầm nhìn 2045 để bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Minh họa phương án ga Hà Nội ngầm của Nikken Seikkei và đề xuất của Nhóm tư vấn CitySolution: tích hợp nhà ga ngầm với nhiều tiện ích đô thị khác.
Tích hợp đa ngành đầu tư 
Xây dựng và vận hành công trình ngầm phải dùng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị phức tạp nên chi phí thường cao hơn nhiều so với công trình trên mặt đất. Đơn cử, giá thành xây lắp ga đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên cao là 12 - 15 triệu USD, còn ga ngầm phải từ 30 - 35 triệu USD, cao gấp 2 - 3 lần. Chi phí xây lắp đường ĐSĐT trên cao 10 triệu USD/km, trong khi tuynel ngầm là 75 - 80 triệu USD/km, cao gấp 7 - 8 lần. Các dự án ngầm có thể giảm chi phí GPMB, nhưng vẫn phải làm lại đường dây, đường ống ngầm tốn kém. Do vậy, chỉ nên tiến hành làm ngầm tại trung tâm TP, nơi mật độ hoạt động cao, giá đất đắt đỏ. Để giảm chi phí đầu tư, các công trình ngầm trong TP cần phải khai thác đa mục đích.
Đoàn nghiên cứu của JICA đã diễn giải chi phí cho một chỗ đỗ xe ngầm kết hợp với xây dựng ga ngầm có thể tiết kiệm 75% giá thành do chia sẻ chi phí về chuẩn bị kỹ thuật, lắp đặt tường chắn đất, hoàn nguyên bề mặt, thi công đào và vận chuyển phế thải. Nếu đề xuất tích hợp nhiều chức năng sử dụng vào một tổ hợp ngầm như: Trung tâm thương mại, không gian đường dây đường ống, nơi chứa nước ngầm hay các tuyến đường bộ, đường sắt khác thì suất đầu tư được hạ thấp hơn cả công trình đơn lẻ xây trên mặt đất, dành lại không gian cảnh quan mặt đất cho hoạt động công cộng hay bảo tồn kiến trúc, đô thị lịch sử.
Ví dụ trên cho thấy lợi ích của việc lập phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng thời, phát huy được tối đa về tiềm năng, lợi thế của đa ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, là mục đích đặt ra trong Kế hoạch 63/KH –UBND của TP Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công trường thi công công trình hầm và ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cần làm rõ quyền sở hữu tài sản
Hà Nội đặt ra nhiệm vụ lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Soi chiếu vào quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội cho thấy, muốn đạt mục tiêu tích hợp các mục đích sử dụng trong không gian ngầm cần được tính đến để chia sẻ gánh nặng đầu tư, hạ giá thành xây lắp. Tuy nhiên, trong cùng không gian, lại đa sở hữu, để bảo đảm mối quan hệ bền vững, an toàn đầu tư thì việc tối quan trọng là phải làm rõ quyền sở hữu tài sản trong tổ hợp không gian ngầm đô thị. Nếu không làm tốt vấn đề này, đây sẽ là tồn tại lớn, gây tắc nghẽn, thậm chí bế tắc trong các hoạt động tài chính đầu tư, an sinh xã hội.
Thực tế tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, khi xây dựng hay khai thác các công trình giao thông ngầm lớn ảnh hưởng không chỉ theo chiều thẳng đứng mà mở rộng ra các bên. Ví dụ ranh giới ảnh hưởng của tuynel có lớp đất phủ bằng 3 lần đường kính, như vậy sẽ có phạm vi mở rộng ra bên ngoài công trình ngầm 30m. Trong khi đó, văn bản pháp lý liên quan đến tài sản thuộc nhiều sở hữu trong phạm vi này rất hạn chế hoặc hầu như không có. Bởi vậy, cần thiết phải bổ sung vào các Luật, đặc biệt là Luật Đất đai và Xây dựng. Đây cũng là những thách thức của tiến trình phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới đã phải cập nhật bổ sung.
Tại Úc, các điều luật sở hữu từ mặt đất tới tâm trái đất nay chỉ còn giới hạn tới -15m, sâu dưới nữa là của Nhà nước; tại Nhật giới hạn này tới -40m; tại Pháp thì quyền tài sản tư nhân giảm dần từ -3m, là 70%, xuống tới -30 là 0%, hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Ngày nay, Chính phủ Singapore cũng có chính sách “dự trữ đất đai”, chuẩn bị cho các dự án quy hoạch, phát triển phía trên cũng như phần ngầm dưới đất. Không chỉ mua trước không gian ngầm, họ quản lý các tiện ích cũng như có sẵn dữ liệu và thông tin ngầm. Chính sách “dự trữ đất đai” đã được luật hóa tại Pháp khi hoạch định các “vùng dự kiến quy hoạch” còn gọi là vùng trì hoãn phát triển (ZAD - Zone d'AménagementDifférée -F) để không ảnh hưởng tới các hạng mục xây dựng nổi và ngầm sẽ xây dựng theo quy hoạch. Quy trình này giúp TP thu hồi được những giá trị thặng dư từ đất đai sau quy hoạch, tiến hành quyền ưu tiên mua đất để làm chủ thời cơ thuận lợi với giá phải chăng, hạn chế đầu cơ.
Hà Nội đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn, khi bắt tay lập quy hoạch theo phương pháp mới, đồng thời với việc khai thác "mỏ vàng" khổng lồ mang tên “không gian ngầm trong trung tâm đô thị”. Tuy vậy, đây cũng là thách thức bội phần khó khăn vì chưa bao giờ tiếp cận cùng lúc những đối tượng lẫn công cụ tiếp cận mới. Hy vọng, không gian ngầm đô thị theo quy hoạch bằng phương pháp mới sẽ không chỉ là bản vẽ khô cứng mà đó phải là một bản quy hoạch hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, quy hoạch xây dựng các công trình ngầm TP không tốn tiền mà còn mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho TP.
Đến nay, đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 đã hoàn chỉnh, được Sở QH - KT Hà Nội tổ chức thẩm định. Quy hoạch được lập trên cơ sở nghiên cứu, điều tra khảo sát điều kiện địa chất, thủy văn, đánh giá hiện trạng công trình ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện (diện tích 756 km2) trong phạm vi đô thị trung tâm và tại 5 đô thị vệ tinh với 615 công trình xây dựng có tầng hầm và 7 lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần